Nữ sinh lớp 4 kêu gọi mở lớp… “dạy” ý thức cho người lớn

Nhân cơ hội gặp gỡ lãnh đạo TPHCM trong dịp đầu năm, cô học trò lớp 4/9, Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (Q.Gò Vấp) Nguyễn Thanh Thúy Vy đưa ra ý tưởng hết sức tạo bạo và bất ngờ: mở lớp học “dạy” ý thức cho người lớn.

Nguyễn Thanh Thúy Vy - cô học sinh lớp 4 đề xuất với lãnh đạo TPHCM mở lớp giáo dục ý thức cho người lớn. 

Cô học trò nhỏ chia sẻ, hàng ngày đi học, em thấy nhiều người lớn không chấp hành luật giao thông gây tai nạn, nhiều người bị cảnh sát thổi phạt số tiền lớn.

“Tại sao người lớn cứ vi phạm luật giao thông như vậy?” – Thúy Vy đặt câu hỏi và tự trả lời: “Phải chăng người lớn được học luật từ nhỏ, lâu quá rồi nên bây giờ quên?”. Và em kêu gọi lãnh đạo: “Thành phố chúng ta hãy mở những lớp học dành cho người lớn”.

Đề xuất rất hồn nhiên, nhẹ nhàng và tế nhị của một em nhỏ rất đáng để nhiều người lớn phải đỏ mặt xấu hổ để nhìn lại mình.

Cũng như Thúy Vy, từ quan sát của bản thân, từ các thông tin trong cuộc sống, nhiều em nhỏ cũng bày tỏ băn khoăn trước các sự việc xảy ra xuất phát từ ý thức của những người lớn tuổi. Nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường, giao thông và cả những vụ việc trẻ em bị xâm hại.

“Chúng em đang chứng kiến nhiều vụ việc quyền trẻ em bị xâm hai nghiêm trọng. Như vụ việc của bé Đỗ Nhật Nam bị “ném đá”, trẻ nhỏ bị bảo mẫu hạo hành ở nhóm trẻ Phương Anh. Lãnh đạo hãy quan tâm hơn nữa đến quyền của trẻ em”, mong muốn của em Bùi Hà Xuân Chúc, lớp 9, Trường THCS Đống Đa, Q. Bình Thạnh.

Nhiều hành vi của người lớn làm trẻ nhỏ bức xúc và hoang mang (Trong ảnh: Kênh Nhiêu Lộc mới được cải tạo đã đứng trước nguy cơ tái ô nhiễm do ý thức của người dân).

Trong khi đó, em Bùi Trần Phương Anh (Trường THCS Colette, Q.3) cũng bức xúc khi thấy nhiều người lớn xem việc xâm hại môi trường như một thú vui. Em dẫn chứng, kênh Nhiêu Lộc đã được thành phố cải tạo sạch đẹp nhưng lại xuất hiện nhiều việc “trái mắt” tại đây như việc xả rác, ăn nhậu và câu cá ở kênh.

Trong nhiều năm qua, trong những lần lãnh đạo TPHCM gặp gỡ thiếu nhi đều ghi nhận nhiều bức xúc của các em về nhiều về các hành vi chưa đúng mực của người lớn. Những hành vi của người lớn tác động rất mạnh đến các em.

Các em có thể bị hoang mang, mất niềm tin khi người lớn thường xuyên giáo dục các em về đạo đức, lối sống và yêu cầu các em chấp hành. Nhưng chính họ lại không thực hiện điều mình nói. Trong khi, muốn thế hệ trẻ sống tốt, sống tích cực thì không một sách vở, bài học nào hiệu quả hơn chính lối sống của người đi trước mà các em nhìn thấy hàng ngày.

 

Chia sẻ