Hà Nội sẽ đặt tên đường mang tên cố Giáo sư Nguyễn Lân

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học về “Cuộc đời và sự nghiệp Nhà giáo nhân dân, GS Nguyễn Lân” được tổ chức ngày 10/12 tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội .


Cố Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân (1906 - 2003).

 

Nhà giáo nhân dân, GS Nguyễn Đình Chú cho biết, cố Nhà giáo nhân dân, GS Nguyễn Lân quê ở Hưng Yên, xuất thân trong một gia đình đông con nhưng “hữu sinh vô dưỡng”. Ông là con thứ 17 và là con út, lúc thiếu thời rất còi cọc, may mà trời cho một tư chất rất thông minh.

Năm 1932, Nguyễn Lân tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Đông Dương và bắt đầu cuộc đời giáo viên dạy qua các trường Tư thục Thăng Long, Đồng Khánh, Quốc Học, Bách Công… Ông là người tham gia thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ Trung kì. Sau cách mạng Tháng 8 ông được mời làm Ủy viên giáo dục tỉnh Thừa Thiên, Giám đốc Học chính Trung bộ. Sau khi chuyển ra Hà Nội, ông dạy Ban Chuyên khoa trường Chu Văn An, rồi đi kháng chiến làm Giám đốc giáo dục các liên khu 10, Việt Bắc. Năm 1951, ông sang Trung Quốc dạy trường Sư phạm cao cấp tại khu học xá Nam Ninh. Từ năm 1956 dạy tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội và làm Chủ nhiệm Khoa Tâm lý - Giáo dục từ ngày thành lập đến khi về hưu.

GS Nguyễn Lân tham gia hoạt động xã hội như Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng Xã hội Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Khuyến học Việt Nam. Đã xuất bản trước Cách mạng tháng Tám 4 tiểu thuyết và 2 sách nghiên cứu. Xuất bản sau Cách mạng tháng Tám 31 sách, trong đó có 10 cuốn Từ điển (gồm cả viết chung). GS đã nhận được phần thưởng, thư khen và bằng khen của Hồ Chủ tịch, được tặng thưởng 3 Huân chương Kháng chiến, 2 Huân chương lao động, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Đại đoàn kết. Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Giải thưởng Nhà nước về các công trình khoa học.

Suốt cuộc đời làm thầy, GS Nguyễn Lân luôn giữ gìn tư cách mẫu mực, yêu thương học trò, yêu nghề và tận tụy với nghề. Lòng yêu nghề của ông chính là mạnh nguồn tiếp sức cho các thế hệ con cháu noi theo.

GS Hà Minh Đức cho biết: “Thầy Nguyễn Lân đã suốt đời cống hiến cho nghề thầy. Dạy học, viết sách giáo khoa, làm từ điển, tất cả cùng vì nhà trường và các thế hệ học sinh. Thầy vui mừng trước những thành tích của ngành và rất khổ tâm với những chuyện không hay”.


Giáo sư Nguyễn Lân và 7 người con trai thành đạt.

 

Không chỉ là một nhà giáo mẫu mực, ông còn biết đến với tư cách là một nhà văn với nhiều tác phẩm xuất sắc mà dấu ấn là tác phẩm “Cậu bé nhà quê” viết về sự cố gắng vươn lên của một cậu bé nghèo. Theo nhiều người đó chính là phác họa cuộc đời chính tác giả. Tác phẩm này sau đó được dịch ra tiếng Pháp và năm 1934 đã được đưa vào sách giáo khoa.

Ngoài ra, GS Nguyễn Lân còn là một nhà ngữ pháp với việc biên soạn sách giáo khoa ngữ pháp Việt Nam từ lớp 1 - lớp 7; Một nhà biên soạn từ điển “vô địch” với 10 bộ từ điển các loại, gìn giữ và bảo vệ ngôn ngữ Tiếng Việt trong sáng của nước ta.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc nhận định: "Điểm gọn cuộc đời và sự nghiệp của Nhà giáo Nguyễn Lân nổi trội một chữ Thầy, một ý niệm trao quyền qua các thế hệ như một nguồn lực giúp cho mỗi con người vượt lên trong cuộc sống của mình và mang lại cho dân tộc sức mạnh trí tuệ để chưng cất lên những giá trị vật chất bắt nguồn từ tài nguyên, phù sa, sông bể của Đất nước. Thầy Nguyễn Lân chính là người đầu tiên tham gia đặt nền móng cho cơ quan nghiên cứu sử học đầu tiên ngay từ thời kháng chiến chống Pháp mà đến nay vừa tròn một hoa hội (1953 - 2013)".

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, trước khi mất 8 năm, năm 1995, Nhà giáo Nguyễn Lân đã gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất của Đất nước những kiến nghị đối với nền giáo dục nước nhà, quy lại mấy điểm: Tăng cường và đổi mới việc giáo dục luân thường đạo lý cho học sinh; Cấm hẳn việc dạy thêm cho học sinh các cấp; Kiên quyết tăng thu nhập cho giáo viên các cấp; Nâng cao chất lượng của các trường sư phạm.

Ngót hai thập kỷ sai những kiến nghị ấy vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là minh chứng cho tầm nhìn của nhà giáo Nguyễn Lân, có một đời người ngót trăm năm là một đời Thầy.

Hồng Hạnh - Dantri.com.vn

 

Chia sẻ