Người ta vẫn biết trong một tổng thể của bức tranh, những cái đẹp ai cũng thấy trước mắt, nhưng ít khi ca ngợi, hoặc truyền tin cho nhau nghe, nhưng chỉ cần một vết mực loang trên bức tranh ấy thì người ta đua nhau phân tích, đua đuổi đến tận cùng. Lên án với cái xấu là điều nên làm, để những người đi sau cần phải rút ra kinh nghiệm cho mình, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Phải làm sao, làm thế nào để đứng vững trong tâm thế một nhà giáo dục với phương châm, đường lối “Giáo dục là kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”.
Phải chăng, trước sự phát triển của thời đại, nghề giáo rất cần phải nâng cao năng lực, kỹ năng, đạo đức, phải học tập nhiều hơn nữa. Chúng ta đang có một bộ phận nhà giáo không quan tâm đến những vấn đề cấp bách của thời sự, lười biếng đọc sách, xem báo, những cuộc họp hội đồng nhà trường không bao giờ nêu lên chính kiến, vướng mắc trong công tác. Bởi vì, trong tâm lý của họ có quá nhiều cái sợ. Từ đó, họ âm thầm chịu đựng, rồi dồn nén lên học sinh của mình. Chúng ta đã thấy những sự việc xảy ra trước mắt, mà nhận ra, một bộ phận giáo viên hiện nay kém quá, kém về cách xử lý, kém hiểu biết đối nhân xử thế.
Nhưng chúng ta có nhận ra được họ cũng đang chịu đựng trên vai những áp lực mà chính những người lảnh đạo quản lí, phụ huynh học sinh, và cách nhìn của xã hội đặt lên vai họ. Có nhiều câu hỏi mà chính người trong cuộc cũng không thể lý giải được hết. Những khối u không thể hiện, nhưng hễ bùng phát lên là tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, cái xấu lấn át hết cái tốt. Hình ảnh nhà giáo xấu dần đi trong tâm trí nhiều người.
Giữa tâm bão của xã hội thì trường mầm non nơi tôi công tác đón một đoàn sinh viên thực tập. Phải nói rằng, trò chuyện với các em, nghe các em nói, tôi mới thấy các em cũng đang trong tâm trạng rất lo lắng, sợ sệt, các em cảm thấy không biết mình có vượt qua được những áp lực của nghề mình đã chọn không. Bao nhiêu năm đèn sách ở giảng đường đại học, giờ đi vào thực tế, tiếp xúc với học trò, những đứa trẻ luôn nghịch ngợm, bày trò, không vâng lời, không chú ý, và những điều buộc phải làm được cho một tiết dạy, các em thể hiện sự nản chí, e sợ.
(Ảnh minh họa)
Là một giáo viên trực tiếp hướng dẫn các em, tôi nhận ra vô vàn trạng thái bất an. Trong đợt thực tập, mỗi em phải thực hiện ở các khối lớp các hoạt động dạy, vui chơi, ăn uống, vệ sinh cho học trò, để hoàn thành hồ sơ thực tập. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với việc một giáo sinh trở thành giáo viên thật sự. Việc học từ trường lớp, trên lý thuyết và thực tiễn cần được vận hành hợp lí với nhau. Cách xử lý tình huống với học sinh, với phụ huynh là việc các em cần phải học.
Hai tháng không dài, thời gian trôi qua rất nhanh với khối lượng công việc luôn tay. Nhưng với thời gian đó, tôi cố gắng truyền đạt tới các em ngọn lửa đam mê của việc dạy học, đó chính là sự kiên nhẫn, không ngại khó khăn. Có lần, một em trong số thực tập sinh ở lớp tôi, hỏi tôi:
- Chị ơi, sao khó quá, chắc em không lên tiết nổi, em không biết mấy làm học cụ dạy học, em quản trẻ không được, học sinh không nghe lời em. Chẳng lẽ em bỏ cuộc quá chị ơi.
- Tại em chưa tìm được nguồn động lực thôi, em hãy lấy sổ ghi lại hết những hoạt động hàng ngày chị giao tiếp với học sinh, hãy quan sát từng biện pháp mà chị sử dụng trong giờ học, em sẽ thấy học sinh sẽ học rất ngoan, các cháu sẽ chú ý cô, hiểu bài. Là khi đó em thấy mình hạnh phúc, từ đó em sẽ yêu nghề và rèn luyện thêm mỗi ngày, em sẽ thấy mọi việc rất dễ dàng, không khó như em tưởng.
Những ngày sau đó, tôi tận tình chỉ bảo từng bước, cách soạn giáo án, chuẩn bị giờ học, rồi cho các em từng bước lên tiết dạy. Các em cảm thấy mọi việc không quá khó khăn, khi đó các em cảm nhận được niềm vui của việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Trong giao tiếp, thỉnh thoảng các em cũng bàn tán xôn xao về các sự việc xảy ra với ngành giáo dục trên mạng xã hội với trạng thái lo lắng, băn khoăn. Còn tôi cùng các đồng nghiệp vẫn nhiệt tình với công việc ươm mầm của mình.
Ngày chia tay, sau đợt thực tập, có một em mang đến tặng tôi bó hoa để chào tạm biệt.
- Cảm ơn cô, đã chỉ bảo cho em, đã truyền kiến thức, kinh nghiệm và cả những bài học của nghề giáo cho em. Em sẽ luôn ghi nhớ để trở nên yêu nghề như cô.
Lúc đó, tôi không biết phải nói gì, mọi ngôn từ trở nên rời rạc, cảm xúc không xâu chuỗi được thành câu. Trong tâm trí, lúc đó nhìn lại quãng thời gian qua tôi tự hỏi không biết mình đã là một tấm gương hoàn hảo chưa. Chỉ biết là tôi đã cố hết sức mình, chỉ là trong tôi còn có những ước mơ góp màu sắc tươi sáng hơn cho một ngành nghề đang bị dư luận xôn xao chú ý. Để trong số các em được thực tập trong lớp tôi, mai này sẽ là một giáo viên đến với nghề bằng tình yêu thật sự với trẻ, bằng lý tưởng, nhiệt huyết góp phần xây dựng xã hội, chứ không chỉ vì một lý do là có việc để làm.
Tôi nắm tay em, xiết bàn tay thật chặt, nói lời tạm biệt:
- Cảm ơn em đã lắng nghe cô trong hai tháng qua.
Hạnh phúc của nghề giáo là nhận được những lời cảm ơn từ phụ huynh học sinh, hạnh phúc lại càng nhân lên khi truyền đạt tình yêu nghề nghiệp đến cho một người nữa, vài người nữa, những ngọn lửa ấm áp sẽ được thắp sáng lên, mang đến cho thế hệ tương lai những thầy cô giáo có tâm. Tôi giờ đây đang có hạnh phúc đó, thì dù đang đứng trong một tâm bão thì tôi vững đứng vững không lung lay.
Tôi đã sống bằng trái tim của nghề, bằng tình yêu với nghề thật sự, thì dẫu con đường đi còn có gập ghềnh, tôi vẫn vững tin vào ngày mai. Những giáo viên trẻ sẽ được học tập và rèn luyện thật sự để trở thành những giáo viên tốt, đủ năng lực giảng dạy, biết nói không với cái xấu, cái tiêu cực. Ngày mai tâm bão sẽ tan, niềm tin sẽ được củng cố bền chắc trở lại. Khi những câu thơ, điệu múa, bài toán khó trở thành niềm hứng khởi cho mỗi người làm nghề giáo bước vào ngày mới.
Theo dantri.com.vn