Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16 tháng 11 năm 1905 tại Làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Năm 1926, ông được gia đình gửi sang Pháp học. Năm 20 tuổi đỗ Tú tài phần I, đến tháng 7 năm 1928, đỗ Tú tài phần II, tháng 7 năm 1929 đỗ cử nhân Văn chương, ông tiếp tục đỗ cử nhân Văn chương kiêm cử nhân Luật tại Đại học Sorbonne năm 1931. Trong thời gian học Tiến sĩ ở Pháp ông dạy học tại Trường Ngôn ngữ Đông phương.
Chân dung Cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên
Ngày 17/2/1934, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Luận án chính là "Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam" và luận án phụ là "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á". Chủ tịch hội đồng chấm luận án, giáo sư Vendryès, coi đó là “một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Sorbonne”.
Năm 1935 ông về nước làm giáo sư trường Bưởi (trường Bảo hộ) Ban Tú tài bản xứ, cùng dạy học với người bạn thân thiết là giáo sư Nguyễn Mạnh Tường. Năm 1937, ông chuyển sang Viện Viễn Đông Bác cổ. Năm 1938, ông tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ. Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông giữ chức vụ Giám đốc Đại học vụ. Năm 1946, ông tham gia phái đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị Đà Lạt, sau đó sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau với tư cách cố vấn. Ngày 15 tháng 11 năm 1945, tại Hà Nội, ông đã đọc diễn văn khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ông được Quốc hội cử giữ chức Bộ trưởng Giáo dục vào phiên họp tháng 11/1946 và giữ trọng trách này trong 29 năm cho đến khi mất vào tháng 10/1975. GS.TS. Nguyễn Văn Huyên được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ năm 2000, huân chương độc lập hạng nhất, tên ông được đặt cho phố chạy ngang Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Văn Huyên được biết đến và tôn vinh Với những cống hiến cho nền giáo dục quốc dân và những cống hiến của ông cho nền văn minh đất nước. Với đạo đức, tài năng và những đóng góp của ông cho đất nước, ông xứng đáng là bậc hiền tài đã làm rạng rỡ non sông Việt Nam.