Ngày 15/10/2014 Bỏ chấm điểm học sinh tiểu học chính thức có hiệu lực

 

Bỏ chấm điểm tiểu học có hiệu lực từ ngày 15-10-2014

 

Thay vì đánh giá học sinh bằng điểm số như phương pháp truyền thống, thì từ nay, học sinh tiểu học sẽ được đánh giá dựa trên sự tiến triển trong quá trình học tập, rèn luyện của bản thân thông qua sự theo dõi của giáo viên.

 

Theo đó, qua quá trình quan sát quá trình học tập cũng như sinh hoạt ngoại khóa, giáo viên sẽ tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh qua những nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh. Tuy nhiên, tới thời điểm này, khi Thông tư 30 đã có hiệu lực vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều ngay trong ngành giáo dục về việc nên hay không nên bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học.

 

Bà Trần Thị Thắm – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT nhận định, Thông tư 30 là bước đột phá của Bộ GD&ĐT, góp phần khắcphục tình trạng bệnh thành tích trong trong giáo dục. Việc không chấm điểm đối với học sinh tiểu học sẽ giảm được những áp lực cho học sinh, giúp các em hào hứng khi đến trường. Bên cạnh đó, việc đánh giá học sinh không chỉ dừng lại ở kiến thức sách vở mà còn đánh giá về năng lực và phẩm chất của học sinh.

 

Để chuẩn bị triển khai thông tư này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp, khóa tập huấn, hướng dẫn giáo viên ở các trường trên địa bàn về cách thực hiện việc bỏ chấm điểm cho học sinh.

 

Ban giám hiệu trường Lam Sơn (Quận Gò Vấp) cho biết, nhà trường đã có sự chuẩn bị tương đối kĩ, hướng dẫn giáo viên về cách thức thực hiện phương pháp mới để đánh giá học sinh. Thừa nhận những ưu điểm của việc không chấm điểm đối với học sinh tiểu học, nhưng Ban giám hiệu cho rằng việc thực hiện cũng không đơn giản.

 

Thay đổi một phương pháp giáo dục không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều, cần phải có thời gian chuẩn bị chu đáo và thực hiện theo lộ trình với sự đánh giá, rút kinh nghiệm thường xuyên. Bản thân giáo viên, học sinh và ngay cả phụ huynh cũng cần có thời gian làm quen, thích ứng với phương pháp này.

 

Bộ GD & ĐT cần sớm có những văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về việc áp dụng Thông tư 30 để tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thiện phương pháp đánh giá học sinh một cách chính xác. 

 

Về ý kiến cho rằng việc chấm điểm gây áp lực cho học sinh tiểu học và là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh thành tích trong giáo dục, nhiều giáo viên cho rằng đó là một thực tế nhưng hoàn toàn có thể khắc phục. Sự ảnh hưởng của “điểm số” sẽ không lớn nếu giáo viên có phương pháp giảng dạy khoa học và tận tâm với nghề.

 

Không ít giáo viên cảm thấy băn khoăn khi bỏ chấm điểm thì việc đánh giá học sinh có thể sẽ không sát với thực lực của các em. Cô Nguyễn Kiều Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 trường Trương Văn Thành (Quận 9) chia sẻ: Để triển khai Thông tư 30 hiệu quả, nhà trường đã áp dụng thử nghiệm phương pháp mới từ đầu năm tới giờ. Qua thực tế, giáo viên không những không giảm gánh nặng mà còn vất vả hơn trước, một phần vì đã quen với cách đánh giá truyền thống nên việc thay đổi là không dễ dàng, một phần vì lớp đông tới 40 học sinh, giáo viên rất khó để có thể nhận xét kỹ lưỡng đối với từng em. Việc nhận xét mang tính động viên là chính. Học sinh còn quá nhỏ, cũng chưa thể hiểu hết ý kiến nhận xét của cô.

 

Một phương pháp giáo dục truyền thống khi được đổi mới không tránh khỏi sẽ gây ra nhiều xáo trộn. Về phía phụ huynh, có nhiều người đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến không ủng hộ việc bỏ chấm điểm đối với học sinh. Anh Phan Trung Nghĩa – một phụ huynh học sinh cho biết: “Trước kia nhìn điểm kiểm tra của con là có thể biết con học có tiến bộ hay không. Bây giờ cô giáo không chấm điểm, chỉ nhận xét nên rất khó biết được chính xác con mình học hành thế nào”.

 

Không đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số, đây là một thay đổi quan trọng trong phương pháp giáo dục tiểu học. Để triển khai thực hiện hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục cần ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết hơn, đồng thời cũng cần chú ý đến những ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội để có những sửa đổi phù hợp với thực tiễn giảng dạy ở bậc tiểu học.

Chia sẻ