Hành trình “bám bản” gieo chữ: “Tôi đã suýt bị lũ cuốn trôi khi đi dạy”

Hành trình “gieo chữ” trên bản cao

Vượt hơn 200km từ TP. Pleiku về vùng “ốc đảo” Kon Pne (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), chúng tôi càng khâm phục ý chí các thầy cô giáo khi hàng chục năm qua đã “vượt rừng, băng suối”, “cõng chữ” lên non. Cảm động hơn có những thầy cô đã đánh đổ cả tính mạng hay suýt chết trên hành trình ấy.

Về thăm ngôi trường PTDT BT Tiểu học và THCS Kon Pne, chúng thấy có hai thế hệ giáo viên đang từng ngày “bám bản” dạy từng chữ ê a cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Theo đó, thế hệ những người thầy đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, thời trai trẻ cho vùng "ốc đảo" này như: Thầy Phạm Văn Hinh (Hiệu trưởng), thầy Lê Tiến Thể và thầy Nguyễn Thế Bằng (Phó hiệu trưởng). Hơn 20 năm, bao lớp các giáo viên đến rồi đi, nhưng các thầy vẫn bám trụ và hành trình này chưa dừng lại.

 

Người thầy có hơn 15 năm, dành cả tuổi thanh xuân hiến dâng cho vùng cao
Người thầy có hơn 15 năm, dành cả tuổi thanh xuân hiến dâng cho vùng cao

Bên ánh điện mập mờ của ốc đảo Kon Pne, câu chuyện về hành trình vượt gần 400km để về thăm gia đình làm chúng tôi cảm động. Thầy Thể nhớ lại, hơn 15 năm trước được lãnh đạo phân công về giảng dạy thầy mừng lắm. Nhưng vượt gần 400km từ xã Ia Nhin (Chư Pah) về xã Kon Pne (Kbang), điều đầu tiên thầy Thể nhìn là ngôi trường bằng lá, cổng làm bằng những thanh tre xiêu vẹo… Giáo dục thời đó cũng coi như một vùng trắng.

“Tôi đã chọn nghề giáo và đặt chân vào vùng ốc đảo này điều tôi muốn là cùng với những giáo viên sẽ đưa sức trẻ cống hiến, dù chỉ là “một hạt cát trên sa mạc” nhưng tôi vẫn sẽ ở lại bám trụ đến cùng. Hồi đó, tôi cùng 3 thầy là những người kinh đầu tiên đặt chân vào đây. Hành trình đưa cái chữ đến với bà con cũng rất khó, phải cho dân tin, dân hiểu, lúc đó đồng bào mới cho con đến trường…”, thầy Thể bộc bạch.

Những người thầy đưa giáo dục vùng cao trỗi dậy
Những người thầy đưa giáo dục vùng cao trỗi dậy

“Ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương”, là những từ mà các thầy đã ví von khi nói về sự gian khổ nơi đây. Ngày bưng bát cơm là lớp ruồi bu lại đầy. Đêm ngủ, tiếng muỗi vo ve không sao ngủ được, cũng vì vậy mà từng con sốt liên tục kéo dài… Ngày ngày, các thầy cô giáo phải thay nhau đến từng nhà dân để dẫn các em đến trường. Lúc đó, nhìn dưới chân và trên người là bầy vắt lá đã hút máu căng tròn nhưng những ngón tay cái…

Chính nhờ sự chịu khó, ý chí kiên cường “bám bản” “gieo cái chữ” cho học sinh vùng cao mà giờ đây ngôi trường Kon Pne đã được xây dựng khang trang. Đặc biệt, năm 2016 trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Nhưng như vậy không có nghĩa là hành trình của thầy Hinh, thầy Thể… được an nhàn.

“Đi 300km về thăm gia đình 1 đêm”

Chia sẻ về gia đình, nét mặt thầy Thể gượng nói: “Tôi đã gắn bó với ngôi trường này hơn 15 năm cũng coi như trường là gia đình. Nhưng phía sau vai trò là người thầy, tôi còn là một người cha, người chồng. Thời gian tôi đều dành cho ngôi trường này, toàn bộ mọi việc gia đình đều đặt lên đôi vai người vợ tôi. Thời gian gần đây, khi có mạng Wifi tôi mới có thể trò chuyện qua điện thoại cho vơi đi nỗi nhớ nhà…”.

Nhờ sự hy sinh mà lớp lớp học sinh vùng cao đã biết chữ, biết cái văn minh của vùng xuôi
Nhờ sự hy sinh mà lớp lớp học sinh vùng cao đã biết chữ, biết cái văn minh của vùng xuôi

“Hơn 15 năm qua, đều đặn cứ đến trưa thứ 7 là tôi lại một mình đi chiếc xe máy cà tàng vượt gần 400km từ ốc đảo Kon Pne về xã Ia Nhin (Chư Pah) để thăm gia đình bố mẹ, vợ và các con. Về tận nhà trời cũng đã tối, ăn xong bữa cơm với gia đình rồi sáng sớm vội vã khăn gói chạy trở lại trường. Tôi nhớ có lần trên đường đi vào trường, qua ghềnh suối làng Kon Lốc (xã Đăk Roong). Khi tôi qua đến giữa suối thì dòng nước trên thượng nguồn đổ về mạnh khiến cho tôi và chiếc xe máy bị cuối theo dòng lũ. Chông chênh giữa dòng nước, tôi kêu cứu và bám vào được khúc cây gần đó rồi được người dân bản địa đến cứu kịp thời... Thoát khỏi cửa ải thần chết, tôi quay trở lại gần UBND xã Đăk Roong để nghỉ chân chờ nước rút…”, thầy Thể nhớ lại.

Ngôi trường Kon Pne nằm sâu trong vùng lõi vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Đây cũng là con đường mà hàng tuần thầy Thể vượt 400km về thăm nhà
Ngôi trường Kon Pne nằm sâu trong vùng lõi vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Đây cũng là con đường mà hàng tuần thầy Thể vượt 400km về thăm nhà

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Nhung tâm sự: “Riêng em là giáo viên mới vào bước đầu thấy sự khó khăn của đồng bào và học sinh nơi đây nhưng so với thế hệ các thầy thì chẳng thấm thía vào đâu. Các thầy thường khuyên em, hãy dùng cái tâm để dạy các em học sinh thì mới bền vững, lâu dài… Em mong muốn sẽ gắn cuộc đời mình giúp cho các em học sinh được học cái chữ, với sức trẻ sẽ dạy thêm cho các em các kĩ năng sống cho học sinh nơi đây...”.

Theo dantri.com.vn

 

Chia sẻ