'Đạo văn' nhiều vì chưa có quy định rõ ràng

 

Phát biểu trong buổi hội thảo về văn hóa trích dẫn trong nghiên cứu và học tập do trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM tổ chức ngày 21/10, bà Lê Thị Nam Giang - Phó trưởng khoa Luật Quốc tế trường ĐH Luật TP HCM - bày tỏ không ít lo ngại về tình trạng "đạo văn" hiện nay.

Theo bà Giang, năm 2005 Việt Nam đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ. Tiếp đó Bộ Giáo dục cũng đưa ra những quy định trong việc trích dẫn khi làm các đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án... Tuy nhiên những quy định này lại chưa rõ ràng, cụ thể nên ranh giới giữa việc trích dẫn và "đạo văn" vẫn còn rất mong manh.

Bà Giang lấy ví dụ, theo quy định của Bộ thì khi trích dẫn nguyên văn bài của người khác hai câu trở lại hoặc ít hơn 5 dòng thì phải đặt trong dấu ngoặc kép và ghi nguồn rõ ràng. Nếu trích dẫn nhiều hơn thì phần trích dẫn phải lùi vào hai dòng. Song, quy định này lại chưa xác định việc trích dẫn tối đa là bao nhiêu. 

10743541-755441857857809-26661-2812-2987

Theo bà Giang, quy định chưa rõ ràng khiến cho ranh giới giữa việc trích dẫn và "đạo văn" trở nên mong manh. Ảnh: Nguyễn Loan.

"Đây là một lỗ hổng lớn trong các quy định khiến cho nhiều đơn vị không thể thống nhất việc xử lý trong quá trình thẩm định các đề tài nghiên cứu", bà Giang bày tỏ và cho rằng trước khi chờ có quy định rõ ràng từ các cơ quan chức năng thì các trường ĐH nên đưa ra quy định riêng của mình để vừa đảm bảo yếu tố sáng tạo trong nghiên cứu khoa học vừa làm cơ sở pháp lý bảo vệ những người tham gia nghiên cứu, làm luận án, luận văn... Bộ cũng quy định những kiến thức phổ thông thì không cần phải trích dẫn nhưng lại không xác định rõ thế nào là "kiến thức phổ thông".

Riêng ở trường ĐH Luật TP HCM cũng đưa ra quy định riêng để áp dụng cho các đề tài của sinh viên và giảng viên. Trong đó, đối với những trích dẫn nguyên văn dài 2 câu hoặc 4 dòng đánh máy thì phải bỏ trong ngoặc kép. Còn dài hơn 4 dòng thì phải tách riêng phần trích dẫn ra. Tuy nhiên theo đại diện của ĐH Luật TP HCM, hiện quy định này vẫn còn nhiều vướng mắc và trường đang soạn thảo quy chế trích dẫn hoàn chỉnh.

Tương tự, TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu phó ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cũng cho rằng, hiện chưa có luật định thế nào là "đạo văn". Các quy định của Luật và của Bộ chưa cụ thể nên trường đã xây dựng quy định riêng về việc trích dẫn trong quá trình làm các đề tài nghiên cứu khoa học, luận án, luận văn, khóa luận. 

Còn theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, trong quá trình thẩm định luận văn tốt nghiệp cho sinh viên, giảng viên gặp không ít khó khăn vì có nhiều trường hợp chưa có quy định rõ ràng. Ông cho biết, trong một lần chấm bài sinh viên đã đưa nguyên văn Nghị quyết vào tác phẩm của mình nhưng ông không thể nhận định được Nghị quyết là sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ hay là kiến thức phổ thông.

Ông Nguyên cũng cho rằng, vấn đề "đạo văn" dựa vào hai yếu tố gồm đạo đức, nhận thức của mỗi người và pháp luật quy định. Trong đó, phải dựa chủ yếu vào ý thức của mỗi người còn pháp luật không thể nào quy định hết được được từng trường hợp cụ thể. Hội đồng thẩm định được thành lập chủ yếu để thẩm định về chuyên môn còn về thông tin rất khó để nắm được hết để đối chiếu, kiểm tra.

Cũng trong buổi hội thảo, một bạn sinh viên bày tỏ băn khoăn về việc trích dẫn từ văn bản nước ngoài thì phải tuân thủ quy định trích dẫn của nước nào khi mỗi nước có một quy định riêng về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi, bà Lê Thị Nam Giang cho biết, hiện đã có hệ thống luật quốc tế về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên về nguyên tắc, việc trích dẫn văn bản từ nước ngoài trước tiên phải phụ thuộc vào những quy định trong nước, mà cụ thể là của cơ quan nơi mình công tác, học tập.

Về các biện pháp phòng tránh tình trạng "đạo văn", bà Giang cho rằng các đơn vị có người thực hiện nghiên cứu khoa học, làm luận văn, luận án, khóa luận... phải ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể về việc trích dẫn tài liệu và phổ biến rộng rãi. Về phía người thực hiện các đề tài phải thực hiện đúng các quy định và thông tin đầy đủ về những tài liệu mình đã sử dụng.

"Tôi cho rằng để hạn chế tình trạng đạo văn thì mỗi người, mỗi đơn vị nên xây dựng cho mình văn hóa về bản quyền và ý thức được tác phẩm của mình có bao nhiêu phần trăm sáng tạo của bản thân", bà Giang nêu ý kiến và cho biết một công trình nghiên cứu nếu có quá 50% trích dẫn thì không đạt yêu cầu.

 

Chia sẻ