Năm học 2021 - 2022 sẽ đi vào lịch sử ngành giáo dục khi đã hết học kỳ I, toàn quốc mới chỉ có khoảng 15 địa phương dạy học trực tiếp, số còn lại kết hợp 2-3 phương thức trực tuyến, trực tiếp, truyền hình. Trong đó, Hà Nội là địa phương cho đa số học sinh dừng đến trường đến nay gần tròn 1 năm. Nhiều nhà quản lý giáo dục chia sẻ thực trạng học sinh không tập trung trong giờ học trực tuyến, kiểm tra cuối kỳ; gia tăng số học sinh nghiện game, mạng xã hội… và nhiều vấn đề khác.
Thay đổi thói quen
Thời gian đầu, nhà trường không nên quá khắt khe với học sinh đi học muộn hay chưa tuân thủ nội quy mà sẽ dần dần rèn thói quen, không gây áp lực cho các em.
Cô Đào Thị Bích Thuỷ, giáo viên một trường THCS tại quận Đống Đa (Hà Nội), nói rằng sau 1 học kỳ học trực tuyến, nhiều em đã quen với việc ngủ dậy muộn, tắt camera khi học trực tuyến để không chịu sự giám sát của giáo viên. Vì thế, khi có kế hoạch quay lại trường học, bên cạnh những học sinh rất háo hức, vui vẻ, sẽ có những em “hụt hẫng”.
Cô Vũ Thị Thu, trưởng phòng Đào tạo Khảo thí của Trường THCS - THPT Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), cũng đưa ra nhận định việc ngay lập tức thúc ép, gò bó các em vào khuôn khổ sẽ gây phản tác dụng, dễ dẫn đến sự mặc cảm vì không theo kịp tác phong, kiến thức của bạn bè thậm chí có hành động chống đối. Trường học sẽ mở cửa ngay sau Tết, do đó, từ bây giờ, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi cùng phụ huynh thiết lập dần thói quen cho các em như thức dậy sớm, tăng cường vận động…
Nhà trường khuyến nghị trong và sau kỳ nghỉ Tết, cha mẹ không quá gây áp lực với học sinh trong việc học tập. Học sinh lớp 9, lớp 12 ngay sau Tết sẽ chuẩn bị cho các kỳ thi tốt nghiệp nhiều áp lực nên phụ huynh dễ có tâm lý sốt ruột, thúc ép các con. Phụ huynh nên khuyến khích con nghỉ ngơi, dành thời gian giao lưu, trò chuyện với người thân, thiết lập kỹ năng tương tác tạo tâm lý thoải mái trước khi đi học. Những ngày đầu đến trường, tuân thủ quy tắc phòng dịch, khó có thể tổ chức được các hoạt động tập trung, các lớp sẽ được hướng dẫn tổ chức hoạt động trong lớp tạo không khí vui vẻ, kết nối lẫn nhau.
Chuẩn bị cho tình huống rủi ro
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho rằng khi mở cửa trường học, nhà trường cần có giải pháp an toàn cho trẻ. Đầu tiên cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức các hoạt động giáo dục vừa đảm bảo các nội dung chuyên môn, vừa đảm bảo phòng chống dịch, xây dựng kịch bản phát hiện ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học. Xây dựng lại hệ thống kiểm tra, đánh giá để đảm bảo đánh giá đúng năng lực người học theo cả phương thức học tập trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp, tránh được gian lận trong thi cử và các hình thức biến tướng khác.
Chiều 22/1 tại trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình tổ chức diễn tập giải quyết các tình huống khi đón học sinh trở lại trường. Đây là buổi diễn tập kiểu mẫu của Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn các trường trên địa bàn thành phố đón học sinh đi học trở lại. Dự diễn tập có ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội; ông Hoàng Minh Dũng Tiến – Bí thư Quận ủy Ba Đình, ông Tạ Nam Chiến – Chủ tịch UBND quận Ba Đình; bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội...
Nội dung diễn tập được thực hiện với 7 tình huống như phát hiện F0 tại trường, học sinh F0 nghỉ học… Chia sẻ với báo chí, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết Ban chỉ đạo PCD Covid-19 của TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở Y tế phối hợp các quận, huyện, thị xã, các trường THPT công lập, dân lập trên địa bàn tổ chức diễn tập đảm bảo các phương án, kịch bản, tình huống xử lý F0 tại các lớp học để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Ngành GD&ĐT cùng ngành Y tế đã phối hợp và có kịch bản, phương án xử lý khi phát hiện F0 trong trường học với nguyên tắc chỉ có F0 đi đến khu cách ly y tế còn F1 cách ly tại nhà.
Nguồn tham khảo: tienphong.vn, giaoducthoidai.vn