Con học cha, cha học con!
Hơn 20 năm qua, dù phải chịu biết bao đớn đau của bệnh tật mỗi lúc trở trời, khó khăn của cuộc sống, nhưng ông "giáo làng" Đặng Tiến Dũng (63 tuổi) ở thôn 5, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) ấy vẫn chèo lái con thuyền tri thức để đưa bao thế hệ học trò cập bến tương lai.
Ông Dũng là con thứ 3 trong một gia đình 5 anh em. Từ lúc mới chào đời, tuổi thơ ông cũng bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa trong làng. Đến năm lớp 1, trong một lần sốt nặng khiến nửa người dưới của ông bị liệt, dù được cha mẹ đưa đi chữa bệnh khắp nơi nhưng vẫn không đỡ.
Từ đó, ngày ngày ông Dũng đến trường trên đôi lưng của cha mẹ.
“Lúc đó tôi rất ham học và mong muốn sau này trở thành một người thầy. Biết được mơ ước ấy mặc dù tôi bị bệnh nhưng cha mẹ cứ thay phiên cõng tôi tới trường”, ông Dũng chia sẻ.
Thế nhưng mọi cố gắng, ước mơ của ông đã phải dừng lại giữa chừng khi vừa lên lớp 5 (lớp 7 bây giờ - PV), căn bệnh cũ của ông tái phát và chuyển biến xấu hơn. Suốt 2 năm điều trị, tiêu tốn biết bao tiền của nhưng cũng chỉ chữa được một chân, chân còn lại vĩnh viễn chịu cảnh tàn phế.
“Khi biết mình không còn cơ hội để đến trường, tôi khóc rất nhiều. Mãi một thời gian sau tôi mới bình tâm lại. Tôi cứ nghĩ có thể là do duyên số, cứ để mặc số phận, mình cứ lạc quan mà sống. Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả”, ông Dũng chia sẻ về quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời mình.
Không còn đi học nữa, ông Dũng lại học đủ thứ nghề để tự nuôi thân và phụ giúp gia đình từ nghề sửa xe, đến làm thợ mộc.
Đến năm 1984, niềm hạnh phúc đến với ông khi được người con gái cùng xã tên Phạm Thị Hồng đem lòng yêu mến và quyết lấy ông để xây dựng cuộc sống gia đình.
Rồi hạnh phúc của ông được nhân lên gấp bội khi 5 người con lần lượt ra đời.
“Đời tôi đã không được học hành đến nơi đến chốn nhưng với các con thì phải được đến trường. Và bằng mọi cách để giúp các con đạt được những ước mơ của mình”, ông Dũng nói.
Và ông đã trở thành người thầy bất đắc dĩ.
Sau thời gian làm thợ mộc, đêm về ông lại mày mò sách vở để có kiến thức kèm cặp cho các con. Con học cha, rồi cha học con cứ như thế sau nhiều năm trời ông đã “đủ kiến thức” để chỉ dạy cho các con từ lớp nhỏ đến lớp lớn.
“Các con của tôi học rất giỏi nên ngoài các cuốn sách giáo khoa thì thường được nhà trường tặng thêm các cuốn sách nâng cao. Trong quá trình chỉ dạy cho con, cái nào con không hiểu thì hỏi cha, cái nào cha chưa hiểu thì nhờ con”, ông Dũng cười chia sẻ.
Và món quà vô giá mà ông có được là cả 5 người con của ông đều đỗ đạt vào những trường tốp đầu và đã có công ăn việc làm ổn định.
Đến người thầy của hàng ngàn học sinh
Ông kể: Năm 1994 có 28 em ở nhiều xã khác nhau trên huyện Hương Khê đến xin ông học làm thợ mộc. Sau đó, tìm hiểu thì ông mới biết các em đều vừa mới trượt trong kỳ thi tốt nghiệp vào cấp 3.
“Lúc đó thấy các em còn nhỏ quá mà phải bỏ học giữa chừng, tôi lại nhớ đến tình cảnh của mình hồi xưa. Khi hỏi thì các em đều nói mong muốn được đến trường như các bạn. Thế là buổi ngày thì tôi dạy chúng làm mộc, đêm về thì dạy chữ. Sau đó thì cả 28 em đều đậu tốt nghiệp và đậu vào các trường đại học, trong đó có những trường thuộc tốp đầu cả nước”, ông Dũng chia sẻ.
Tiếng thơm vang xa, kể từ đó, hàng ngàn em học sinh trên địa bàn đã kéo nhau tới gặp ông “bái sư”.
Đến năm 2000 ông bỏ hết các công việc để tập trung dạy, ôn tập cho các em học sinh.
Trong căn nhà nhỏ, vợ chồng ông dành phần lớn diện tích để làm nơi dạy bài cho các em.
Những ngày bình thường thì chỉ có lớp học buổi tối. Còn ngày nghĩ thì dường như ông Dũng không còn thời gian rỗi. Ông dạy từ sáng đến chiều tối, chia thành nhiều ca học, nhiều lớp khác nhau. Ông Dũng có thể dạy được các môn học từ cấp 1 đến cấp 3 nhưng mạnh nhất là các môn Toán, Lý và Hóa.
“Không phải ngẫu nhiên mà hàng ngàn học sinh xuống theo học. Trong mọi vấn đề thì điều cốt lõi là đi đúng trọng tâm, đặc biệt là giữa người thầy và học trò phải gần gũi, xem nhau như bạn thì việc học sẽ dễ dàng hơn”, ông Dũng chia sẻ về phương pháp dạy học của mình.
Đến bây giờ, ông Dũng không còn nhớ rõ đã có bao thế hệ học sinh đã được ông truyền dạy.
“Để trả công cho tôi nhiều gia đình thì đưa tôi ít tiền, có gia đình thì cho gạo. Hay những em có hoàn cảnh khó khăn thì tôi dạy miễn phí. Điều làm tôi hạnh phúc nhất là thấy các em tiếp thu tốt những gì tôi truyền dạy và chứng kiến các em trưởng thành”, ông Dũng chia sẻ.
Với những cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp trồng người, thầy “giáo làng” Đặng Tiến Dũng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của xã, huyện và tỉnh. Đặc biệt, năm 2010 ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo Bác Hồ trong dịp tổng kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức tại thủ đô Hà Nội.