Em Hà Thị Nhung (SN 2000, ở làng Pheo, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), học sinh lớp 12B, trường THPT Thọ Xuân 5 vừa trở về nhà sau thời gian làm công nhân may tại tỉnh Hải Dương.
Em Hà Thị Nhung, học sinh dân tộc Mường đã xuất sắc đạt 23 điểm khối C.
Nhung là con út trong gia đình người dân tộc Mường nơi vùng quê đặc biệt khó khăn của huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), các anh chị đã lập gia đình và ra ở riêng. Điều kiện gia đình khó khăn nhưng em đã nỗ lực vươn lên đạt kết quả đáng khâm phục trong học tập.
Suốt những năm học phổ thông, Nhung luôn là học sinh giỏi. Em còn tham gia một số kỳ thi học sinh giỏi các cấp và đạt giải Khuyến khích môn Địa lý cấp tỉnh.
Sau những buổi học ở trường, về nhà, Nhung còn làm ruộng, làm nương rẫy để đỡ đần thêm cho bố mẹ.
“Thấy con ham học, thương con nhưng không biết làm gì để giúp cháu cả. Nguyện vọng của bố mẹ mong sao cháu cố gắng học tập để sau này có tương lai, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội” - bà Hà Thị Thoa (62 tuổi, mẹ Nhung), chia sẻ.
Dù sinh ra và lớn lên ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, nhưng nữ sinh Hà Thị Nhung đã đạt kết quả học tập đáng khâm phục. Trong ảnh: Cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Hoa (bên trái) và em Nhung.
Thấu hiểu về điều kiện khó khăn của học sinh, trong quá trình học tập, nhà trường luôn tìm các nguồn hỗ trợ học bổng để trao cho Nhung. Cô Lê Thị Hoa - giáo viên chủ nhiệm luôn động viên em cố gắng học tập, thậm chí đưa em về nhà dạy miễn phí. Đó là những niềm động viên tiếp thêm nghị lực cho Nhung cố gắng trong học tập.
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tổ hợp các môn khối C xét tuyển vào đại học của Nhung được 23 điểm, trong đó Văn 8 điểm, Sử 6,75 điểm và Địa lý được 8,25 điểm.
Kết thúc kỳ thi THPT, nghĩ về hoàn cảnh gia đình, Nhung quyết định đi làm ở công ty may tại tỉnh Hải Dương. Cũng từ thời điểm đó, em đã có suy nghĩ là sẽ không tiếp tục con đường học tập mà đi làm để có tiền phụ giúp bố mẹ.
Thậm chí, khi có điểm thi và biết mình đậu đại học, Nhung vẫn không có ý định đăng ký xét tuyển để theo học. Thấy Nhung là học sinh có năng lực, ham học nên cô giáo chủ nhiệm đã động viên em quay về đi học.
“Khi biết điểm thi, nghe em nói không đi học, tôi cảm thấy rất tiếc, thậm chí khóc. Nhung là học sinh chăm chỉ, sống hòa đồng với bạn bè, luôn nhiệt tình và có ý thức xây dựng tập thể, đặc biệt rất nỗ lực trong học tập”, cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Hoa tâm sự.
Trước sự động viên của cô giáo chủ nhiệm và gia đình, Nhung đã xin nghỉ việc ở công ty may để về làm hồ sơ xét tuyển đại học. Nhung cho biết em đã đăng ký xét tuyển vào khoa Tâm lý học giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục Hà Nội.
Bà Hà Thị Thoa chia sẻ: “Trong quá trình học tập từ mầm non đến cấp 3, cháu luôn được các thầy cô và nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ. Lúc đầu khi biết điểm, gia đình cũng nghĩ do điều kiện quá khó khăn, không biết lấy tiền đâu cho cháu ăn học, nhưng được thầy cô giáo động viên nên cũng cố gắng để cháu đi học”.
Dù quyết tâm cho con theo học, nhưng khi nghĩ đến kinh phí học tập, bà Thoa không khỏi lo lắng: “Vợ chồng tôi đã già, bố cháu lại ốm đau không biết sẽ làm gì để có tiền cho cháu ăn học. Gia đình chủ yếu trồng lúa nhưng chỉ được vài ba sào. Anh chị của cháu đã lập gia đình ra ở riêng nhưng cũng không có điều kiện để giúp em. Đã hơn một năm nay, bố cháu không làm được việc gì do bệnh suy tim độ 3”.
“Cũng vì thương bố mẹ vất vả nên lúc đầu em mới quyết định đi làm công nhân. Khi được cô giáo động viên em cũng thấy tiếc với điểm số của mình nên về để làm hồ sơ đi học. Em mong muốn được đi học và thành công trên con đường mình lựa chọn để sau này có thể giúp đỡ gia đình. Em sẽ tìm công việc làm thêm để có thu nhập trang trải việc học tập”.
Lời tâm sự thể hiện quyết tâm của nữ sinh Hà Thị Nhung, nhưng khi chứng kiến điều kiện gia đình em, ai cũng hiểu chặng đường phía trước em sẽ còn gặp nhiều gian nan...
Theo dantri.com.vn