Đề Sử không khó nhưng điểm rớt thảm Chia sẻ

Ghi nhận tại một số tỉnh thành phía Nam, điểm thi môn Lịch sử đang đứng hạng nhất về số lượng bài thi có điểm dưới trung bình. Ở TPHCM, môn Lịch sử có đông thí sinh đăng ký thi nhất ở tổ hợp bài thi Khoa học xã hội với 27.941 thí sinh. Nhưng kết quả, chỉ có 19,1% bài thi đạt từ 5 điểm trở lên và có đến 80,9% thí sinh điểm dưới trung bình.

 


Dù đề không khó nhưng điểm thi môn Sử trong kỳ thi THPT quốc gia ở nhiều địa phương cực thấp (ảnh minh họa)

Dù đề không khó nhưng điểm thi môn Sử trong kỳ thi THPT quốc gia ở nhiều địa phương cực thấp (ảnh minh họa)

 

Theo thống kê chấm thi tại An Giang, tổng số thí sinh dự thi môn Sử cũng cao nhất trong tất cả các môn ở cả hai tổ hợp bài thi Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên với gần 9.000 thí sinh. Có trên 2.500 thí sinh đạt điểm trên trung bình, chiếm tỷ lên 27,93%, còn lại là điểm dưới trung bình.

Kết quả chấm thi môn Sử ở Đồng Nai còn "thảm hại" hơn nữa. Không chỉ đứng chót về số bài thi đạt điểm trên trung bình mà tỷ lệ này rất thấp và cách xa tỷ lệ của các môn khác. Theo thống kê, điểm trên trung bình môn Lịch Sssử ở Đồng Nai chỉ chiếm trên 12,7% và có tới 87,3% bài thi điểm dưới trung bình.

Không chỉ tỷ lệ bài thi dưới trung bình quá lớn mà số lượng bài thi môn Sử đạt điểm cao cũng ở tốp khiêm tốn nhất. Ở nhóm bài thi đạt cao hơn hoặc bằng 9,5 điểm, môn Sử chỉ có 1 thí sinh; cao hơn hoặc bằng 9 điểm, môn Sử có 9 bài và cao hơn hoặc bằng 8 điểm, môn Sử chỉ có 49 bài.

Sốc nhưng không ngạc nhiên

Điểm Sử trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi ghi nhận tại một số địa phương làm nhiều người sốc vì tỷ lệ điểm đạt dưới trung bình quá cao. Điểm rớt một cách thê thảm đến mức khó tin trong khi đề thi Sử được đánh giá là không khó.

Đề Sử khá dài, đạt điểm thật cao không dễ nhưng nhiều người nhận định, với đề như vậy, học sinh sẽ không khó để đạt mức 5 - 6 điểm. Nhưng kết quả thực tế là điểm dưới trung bình môn Sử chiếm tỷ lệ cao ngất.

Kết quả môn Sử làm nhiều người sốc, khó tin nhưng lại không quá bất ngờ. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM cho hay đúng là điểm Sử thấp cũng làm thầy có chút choáng váng nhưng không hề bất ngờ. Điểm thi phản ánh đúng cách dạy và cách học đối với môn học này nên điểm thấp là chuyện bình thường.

Theo thầy Du, có nhiều lý do điểm Sử thấp được như vậy có nhiều lý do nhưng chắc chắn không phải do đề khó. Một số nguyên nhân như chương trình nặng, dài, ôm đồm kiến thức; người dạy chưa thích nghi kịp với cách dạy thi trắc nghiệm; tư tưởng từ thí sinh, không quan tâm đến điểm môn học này, chỉ cần điểm không bị liệt, được 2-3 điểm là đủ...

Thầy Du cũng nói thêm, trong bài tổ hợp Khoa học xã hội thì môn Sử được đánh giá là bất lợi nhất. Nội dung môn GDCD ít, các em có thể lập luận; môn Địa lý có Atlat. Sử chương trình quá nặng và quá dài. Thế nên các em bỏ Sử là bình thường, học sinh chỉ cần điểm để đỗ tốt nghiệp, rất ít học sinh sử dụng điểm Sử để xét vào đại học. Thế nên, thầy Du cho rằng điểm Sử thấp và học sinh quay lưng với môn Sử là điều bình thường trong lựa chọn tương lai của các em.

Chỉ có điều, tại sao để xảy ra tình trạng này, theo thầy Du mới là điều không bình thường.

Một nhà giáo dục chia sẻ, nhìn bảng thống kê của một số địa phương, ông cho rằng nên quan tâm đến 2 môn là Ngoại ngữ và Lịch sử, hai môn có mức điểm thấp nhất. Như ở TPHCM là địa phương thường có tỷ lệ thí sinh đạt điểm môn Ngoại ngữ cao nhất nhưng năm nay, cũng chưa đến 50% thí sinh đạt điểm trên trung bình.

 

Chia sẻ