Thi giải Toán trên mạng: Gò con thi trong khi hô hào giảm tải

 

Tự mình làm khổ mình

Cuộc thi giải toán trên Internet ViOlympic đã thực hiện được 9 năm. Gần đây, một số vị phụ huynh cho rằng cuộc thi đã bị biến thành thước đo độ “tài giỏi” của những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn chỉ bởi tâm lý ăn thua, “con mình mà thua con người ta thì không chịu được”.

Người dùng facebook Le Dung đã đăng tải nội dung cảnh báo về việc các cuộc thi như Violympic đã gây ảnh hưởng ra sao đến các con. Vị phụ huynh này cho biết cuộc thi khiến cho “một đứa trẻ bình thường mất từ 30-50 phút cho 8 vòng thi ở lần làm bài đầu tiên, thì nó có thể biến kết quả đó thành 10 phút sau vài chục lần làm đi làm lại”, đồng thời đưa ra kết luận đó không phải là sáng tạo mà chính là chạy theo thành tích.

Phụ huynh Duyên Võ cũng cho rằng “Các sân chơi đó đã trở thành đấu trường để các trường và phụ huynh chứng tỏ thành tích. Không biết được bao nhiêu em chơi mà học, học mà chơi thật sự!”

Vậy có hay không cuộc thi đã bị biến tướng trở thành cuộc chạy “việt dã” về thành tích? Liệu các con có bị ép buộc để đạt giải cao, có phần thưởng mang về?

Trước những ý kiến này, đại diện BTC cuộc thi giải toán trên mạng (ViOlympic) cho hay: “Ý nghĩa thực sự của cuộc thi ViOlympic là khơi dậy cảm hứng, niềm đam mê cho các em học sinh với toán học và các bộ môn khoa học khác. Bởi vậy điều quan trọng nhất là khiến các em vui vẻ, hứng khởi tham gia, thi đua nhau một cách tích cực, tạo ra phong trào học tập, tiếp thu tri thức. Tuy nhiên, việc cho con tham gia thi hay không, luyện thi như thế nào, lại tùy thuộc quan điểm của mỗi gia đình.”

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (Hà Nội), phụ huynh học sinh trường Marie Curie, cho biết: “Ngoài thông báo của nhà trường khi con được chọn tham gia thi vòng trường, mình không nhận được bất kỳ yêu cầu nào về việc con phải có giải hay phải ôn luyện cho con. Bản thân mình cũng muốn để con tự do phát triển, nên cháu thích thì mình cho cháu thi thôi. Kết quả không quan trọng, vì đây chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động hàng ngày của cháu”.

Anh Minh Hùng (Hà Nội), phụ huynh học sinh trường Kim Giang, chia sẻ thêm: “Tôi thấy hoàn toàn không cần phải lập nhiều nick để luyện thi nếu không phải vì bắt ép các cháu học thuộc kết quả để lấy thành tích. Tôi vẫn thường cho cháu luyện các dạng đề trên trang web luyện thi trực tuyến của ViOlympic, vừa rèn phản xạ vừa tăng kỹ năng toán học của cháu”.

Học sinh luyện tập nhóm để thi Violympic

Học sinh luyện tập nhóm để thi Violympic

Chính phụ huynh Le Dung ở phần cuối bài viết của mình cũng đã xin lỗi vì đã đổ lỗi cho nền giáo dục, bởi lẽ chẳng phải do ai tạo sức ép cả, mà “chỉ là tại chính mình”.

Nhiều người khác cũng chia sẻ quan điểm này. Độc giả Khánh Ly (TP.HCM) cho biết: “Tất cả là tại các quý vị phụ huynh đáng kính của chúng ta thôi… Các vị ấy đã gò con hàng đêm thi toán trên mạng. Song chính các vị ấy lại hô hào giảm tải vì con tôi học nhiều quá!”.

Áp lực hay không do cách làm

Trao đổi với PV Dân trí, một Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học trên địa bàn quận 8 (Tp Hồ Chí Minh) cho biết, cuộc thi có mặt tốt, không ép học sinh tham gia nhưng do một số em vì áp lực có giải để được ưu tiên xét tuyển vào cấp 2 nên nhiều trường học sinh mang tâm lý ganh đua.

Về mặt chuyên môn, tôi thấy một số câu hỏi chưa phù hợp với các em. Khi luyện tập ở trường, chẳng hạn có khoảng 10 bé đạt vì có cô giáo ngồi cạnh nhưng khi thi cấp cao hơn (cấp quận) thì nhiều học sinh rớt. Do vậy, thông thường ở cấp trường, các em có thành tích chỉ được tuyên dương. Còn các trường chỉ xét ưu tiên những em đoạt giải cấp quận hoặc cấp thành phố mới chính xác.

Ngược lại với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Vân Trang, hiệu trưởng trường Tiểu học Ngôi Sao, Hà Nội cho hay: “Tôi không biết ở các trường khác thế nào nhưng ở trường tôi, chưa có tín hiệu tiêu cực nào từ phía phụ huynh, mà còn được phụ huynh gửi gắm nhờ nhắc nhở học sinh hoàn thành các vòng thi tự luyện để được tham gia thi vòng các cấp. Bản thân tôi cũng có con thi Violympic và thực sự yêu thích cuộc thi này. Cùng 1 bài toán, nếu tôi cho con làm trên giấy thì cháu sẽ không tỏ ra hào hứng bằng việc được làm bài trên máy tính và được chơi cùng các bạn.”

Bà Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng THCS Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi coi đây là một sân chơi tự nguyện, nên duy trì để học sinh được trải nghiệm, cọ xát, nhất là những học sinh có đam mê. Việc có thêm phần thưởng hay chế độ cho học sinh đạt giải cao tôi nghĩ chỉ là sự động viên khích lệ dành cho các con, giúp các con có thêm động lực để phấn đấu.”

Ngoài ra, trước một số ý kiến cho rằng cuộc thi này quá sức so với các em, đại diện BTC cho biết thêm: “Đề thi của Violympic đều bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT để ban hành. Đề thi luôn được ban nội dung biên soạn với tỷ lệ: 40% là câu hỏi dễ, 40% câu hỏi trung bình, 20% câu hỏi khó - các câu hỏi nâng cao nhằm kích thích tư duy của học sinh, tạo khả năng đột phá. Để đạt được 300 điểm đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức tổng hợp và kỹ năng làm bài trên máy tính nhạy bén.”

Về cuộc thi này, Ông Đinh Ngọc Khắc, Chuyên viên phòng Giáo dục TP. Lào Cai, một trong những địa phương tham gia cuộc thi Violympic từ những năm đầu tiên cho biết: “Tôi nghĩ áp lực hay không là do cách làm thôi, bởi theo tôi cuộc thi rất phù hợp cho học sinh, rèn kỹ năng rất tốt. Để có được kết quả cao, các cháu phải vận dụng kỹ năng và tư duy để đạt được kết quả cao, không phải cháu nào cũng có thể đạt điểm tối đa được. Chúng tôi hiểu cuộc thi là sân chơi cho các cháu, vì vậy chúng tôi không tạo sức ép để lấy thành tích, cháu nào thích thì chúng tôi tạo điều kiện để tham gia”.

Nguồn: dantri.com.vn

Chia sẻ