Thí sinh lưu ý gì khi thi đại học 2014?

Tuyển sinh tối đa 2 lần/ năm

Tại sao Bộ đưa quy định các trường chỉ tổ chức tuyển sinh riêng tối đa 2 lần/ năm, thưa ông?

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT): Việc tổ chức thi tuyển sinh triền miên nhiều lần trong năm sẽ rất phức tạp, nặng nề cho thí sinh. Hiện nay đầu tháng 6 là học sinh thi tốt nghiệp, đến tháng 7 là kỳ thi tuyển sinh ĐH, qua thực tế đây là giai đoạn thuận tiện nhất cho các trường để tuyển sinh.

Ảnh Lê Anh Dũng

Đối với những trường đào tạo theo tín chỉ có thể tách ra tuyển sinh 2 lần được.

Vì vậy, chúng tôi muốn quy định các trường tuyển sinh tối đa 2 lần trong năm, thống nhất vào các đợt thi trên toàn quốc, chứ không phải mỗi trường tự chọn một thời điểm.

Bộ GD-ĐT sẽ xem xét để đưa ra thời gian tổ chức các đợt thi. Trường thi riêng căn cứ vào đó đăng ký đợt thi của trường mình.

Việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường có đồng nghĩa với việc chấm dứt nghiên cứu phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia dùng để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ mà Bộ đang nghiên cứu hay không?

-Về tổng thể, chúng ta sẽ có đề án thi chung phù hợp với thực tế tuyển sinh và nghị quyết TW8. Đây là việc chúng tôi vẫn đang triển khai để hoàn thiện. Còn việc giao tự chủ tuyển sinh là bước đi đầu tiên phù hợp với Luật Giáo dục Đại học.

Phải tự chủ hoàn toàn

Bộ GD-ĐT bình luận gì về việc tất cả các trường có phương án thi riêng đã gửi tới Bộ trong thời gian vừa qua đều là trường ngoài công lập?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Các trường công lập không mặn mà vì thi 3 chung Bộ đã giải quyết khâu khó nhất là đề thi, các trường không gặp vấn đề gì về nguồn tuyển.

Nhưng với chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh, các trường bắt buộc phải suy nghĩ đến phương án tuyển sinh riêng. Bởi vì, với mục tiêu đào tạo khác nhau, mỗi trường phải có phương án tuyển sinh phù hợp để chọn đúng người có năng lực phù hợp với mục tiêu đào tạo của các trường, không được “ỉ lại” vào Bộ nữa.

Cũng chính vì vậy mà Bộ duy trì kỳ thi “3 chung” trong 3 năm nữa. Khi đó, những học sinh lớp 10 năm học 2013- 2014 vừa kết thúc chương trình THPT, các trường cũng có thời gian xây dựng lộ trình đổi mới thi phù hợp. Những học sinh lớp 10 của năm tới sẽ phải chuẩn bị tinh thần để có hình dung khác đi, thích ứng với đổi mới thi cử.

Như vậy, có phải sau 3 năm nữa Bộ sẽ bỏ kỳ thi “3 chung” không?

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí: Đây là lộ trình để kết thúc sứ mệnh lịch sử của “3 chung”. Sau 3 năm nữa, khi chương trình và SGK mới đã được triển khai, toàn ngành thực hiện đổi mới cơ bản và toàn diện như NQ TƯ 8, thì “3 chung” không cần thiết nữa.

Trường nào đủ điều kiện thì có thể tham gia thi riêng. Khi đã tuyển sinh riêng Cục Khảo thí sẽ không hỗ trợ việc ra đề thi.

Được biết trong 17 đề án tuyển sinh riêng đã gửi đến Bộ trước đây, đa phần đều có sử dụng kết quả kỳ thi “3 chung” của Bộ làm một trong những tiêu chí để xét tuyển vào trường. Tại sao trong dự thảo này Bộ yêu cầu các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung? Phải chăng yêu cầu này để… làm khó các trường muốn thi riêng?

Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH: Bộ không làm khó các trường. Cách làm hiện nay là sự đổi mới hoàn toàn, với cách tiếp cận khác, việc tự chủ tuyển sinh là trách nhiệm của các trường.

Nhưng dự thảo này rất mở ở chỗ các trường có thể thí điểm thi riêng ở từng ngành, không bắt buộc thi tất. Bộ chỉ quy định các trường không thể vừa lấy kết quả thi “3 chung”, vừa lấy kết quả thi riêng để tuyển sinh, vì hai kỳ thi này có cách xác định năng lực thí sinh khác nhau. Còn lại, các trường có thể dùng kết quả “3 chung” để xét tuyển riêng.

Trường tự xác định ngưỡng chất lượng tối thiểu

Bộ sẽ kiểm soát chất lượng như thế nào khi các trường tự chủ tuyển sinh?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đúng là khi đề cập tới việc tuyển sinh riêng xã hội rất lo lắng về chất lượng đầu vào. Bộ quy định trong đề án các trường đều phải công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là như thế nào, ngưỡng tối thiểu ra sao, chứ không thể để các trường tuyển từ trên xuống dưới cho đủ chỉ tiêu.

Vậy ngưỡng tối thiểu mà Bộ muốn đề ra là như thế nào?

- Phó Cục trưởng Trần Văn Nghĩa: Bộ không đặt ra ngưỡng này. Trong đề án thi riêng các trường phải làm rõ được điều kiện đảm bảo chất lượng, ngưỡng tối thiểu hợp lý như thế nào… Các trường phải chứng minh được chứ Bộ không áp đặt ngưỡng. Bên cạnh đó, với sự giám sát của xã hội, các trường cũng không thể làm quá với mức tuyển vào trường không chấp nhận được.

Quy định kết quả thi của thí sinh vào các trường tổ chức thi riêng không có giá trị xét tuyển sang trường khác có làm thí sinh mất quyền lợi?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kỳ thi riêng có chuẩn riêng, khác với chuẩn của kỳ thi chung. Về kỹ thuật thì không thể có chuẩn chung cho 2 kỳ thi riêng.

Việc để các trường tự chủ tuyển sinh hoàn toàn không hạn chế cơ hội, quyền lợi của thí sinh, mà thậm chí mở thêm sự lựa chọn cho thí sinh, khi các em có thể tham dự được nhiều kỳ thi khác nhau vào những trường khác nhau. Các trường cũng có thể liên thông với nhau tổ chức kỳ thi riêng để tăng thêm sự lựa chọn cho thí sinh.

Mục tiêu cuối cùng của những thay đổi này là đổi mới kiểm tra theo phương thức đánh giá năng lực, phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện dạy và học phổ thông, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời gian tới.

Chi Mai (ghi)

Ông Đỗ Quốc Anh, Trưởng đại diện cơ quan Bộ GD-ĐT tại TP.HCM:Đây là sự thay đổi về chất. Các trường ngòai công lập nếu không tổ chức chu đáo thì khả năng các trường công lập "vét" thí sinh hơn cả thi 3 chung. Đây có thể sẽ là cuộc cạnh tranh mới.

 

Chia sẻ