Cô gái Tiền Giang giành học bổng toàn phần bậc Tiến sĩ ngành Y sinh "khó nhằn" tại Anh

Ngọc Thảo sinh ra và lớn lên tại huyện Gò Công Tây, Tiền Giang. Từ cô học trò trường huyện, Thảo thi đỗ lớp chuyên hóa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) và trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM).

Học được một năm, Thảo tìm đường du học thành công. Cô theo đuổi chương trình IB - Tú tài quốc tế tại Auckland International College, New Zealand với học bổng 80% học phí mỗi năm.

Tại xứ sở kiwi, nữ sinh Việt tốt nghiệp trường trung học hàng đầu với thành tích hạng nhì khối. Ngay sau đó, Phương Thảo được 11 trường đại học quốc tế mời gọi vào bậc đại học với những học bổng hấp dẫn.

Cuối cùng, cô gái Việt quyết định chọn điểm đến là Đại học East Anglia (UEA) ở Norwich, Anh quốc để theo đuổi ngành Y sinh học – Biomedicine.

Huỳnh Ngọc Phương Thảo (trái) từng trúng tuyển 11 đại học quốc tế và giành học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại ĐH East Anglia, Anh.
Huỳnh Ngọc Phương Thảo (trái) từng trúng tuyển 11 đại học quốc tế và giành học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại ĐH East Anglia, Anh.

Trong bài luận gửi cho trường, Thảo kể về ước mơ của mình: "Kể từ năm 2004, em đã có hai người ông họ hàng mất vì bệnh ung thư mặc dù chỉ ngoài 50 tuổi. Từ đó, em khao khát cố gắng thật nhiều để giúp người dân quê hương em nhận được sự chẩn đoán, khám và chữa bệnh tốt hơn và phần nào cải thiện chất lượng cuộc sống.

Do đó, em đã quyết định nộp vào ngành y sinh học ở các đại học để có thể ứng dụng những kiến thức của sinh học và khoa học tự nhiên vào thực tiễn lâm sàng và nghiên cứu y học".

Thảo tâm sự, bố mẹ em cũng là những bác sĩ y khoa, thường nói với em, khoa học y khoa không ngừng phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề nan giải và còn nhiều bệnh chưa chữa trị được và đôi khi giá cũng rất cao. Đó là động lực rất lớn khiến Phương Thảo muốn vào con đường nghiên cứu, do đó cô chọn ngành Y sinh học.

Bố Thảo bay từ Việt Nam sang trong ngày Thảo nhận bằng tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc tại ĐH UEA (Anh) hồi tháng 7/2017.
Bố Thảo bay từ Việt Nam sang trong ngày Thảo nhận bằng tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc tại ĐH UEA (Anh) hồi tháng 7/2017.

Vào lúc còn học IB ở New Zealand, Thảo đã biết được rằng ở Anh, nếu có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu ở bậc Cử nhân và điểm số tốt thì sẽ có cơ hội apply trực tiếp lên học tiến sĩ - PhD, không cần qua chương trình thạc sĩ.

Bởi vậy, trong suốt thời gian ở trường Đại học, 9X Việt đặt ra mục tiêu duy trì điểm số tốt (như loại Ưu, tương đương điểm trung bình học tập GPA >=4), tích lũy kinh nghiệm làm trong phòng thí nghiệm càng nhiều càng tốt và bất cứ lúc nào có thể (như thực tập hè có trợ cấp - studentship, hay không trợ cấp trong năm học hoặc việc làm thêm ở một trung tâm nghiên cứu gần trường).

 

Ngọc Thảo (giữa) mặc áo dài đại diện sinh viên Việt Nam tại ĐH UEA chào đón các tân sinh viên.
Ngọc Thảo (giữa) mặc áo dài đại diện sinh viên Việt Nam tại ĐH UEA chào đón các tân sinh viên.

 

Thảo cho hay, đa số những cơ hội có được là do cô “mặt dày” email, hỏi han tất cả thầy cô mà em biết và may mắn họ cũng có hoặc biết người nào đó đang chiêu sinh, tuyển sinh viên thực tập.

Năm cuối Đại học, Thảo nộp hồ sơ thành công thẳng lên học bậc tiến sĩ và giành học bổng toàn phần của trường Đại học East Anglia, Anh.

 

Ngọc Thảo (giữa) trong dịp đi tình nguyện cho Hiệp hội Khoa học Anh quốc.
Ngọc Thảo (giữa) trong dịp đi tình nguyện cho Hiệp hội Khoa học Anh quốc.

 

Huỳnh Ngọc Phương Thảo, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm hai ngành Sinh học Phân tử và tế bào. Thảo tốt nghiệp cử nhân ngành Y sinh học năm 2017 cũng tại ngôi trường này.

Cô gái tài năng là đại diện Sinh viên Việt Nam tại Văn phòng quốc tế - Đại học UEA từ năm 2015 đến nay, đồng thời là trợ giảng cho trường Sinh học và Dược.

Ngọc Thảo đang trình bài poster của mình với một nhà khoa học ở Úc tại Hawaii năm 2018.
Ngọc Thảo đang trình bài poster của mình với một nhà khoa học ở Úc tại Hawaii năm 2018.

 

Khẳng định trí tuệ Việt

Vẫn với tinh thần học tập hết mình, say mê nghiên cứu theo đuổi ước mơ, Phương Thảo giành hàng loạt giải thưởng ấn tượng tại xứ sở sương mù.

Năm 2017, nữ du học sinh Việt nhận Giải thưởng của Hiệp hội Hoàng gia Sinh học cho sinh viên đứng đầu trường về mảng Sinh học khoa học 2017.

“Giải thưởng là đánh dấu chẳng đường 3 năm học cử nhân của em, có rất nhiều khó khăn và trở ngại về mặt kiến thức và tinh thần.

Lúc ôn thi cuối năm 3, em tự nhủ cố hết sức mình thôi, vì thật sự lượng kiến thức cần nắm rất nhiều, rộng và sâu. Em nghĩ, nếu bản thân cố gắng hết sức thì kết quả tốt nhất sẽ đến”, Thảo tâm sự.

 

 

 

Cũng trong năm học này, Thảo giành Học bổng nghiên cứu sinh từ Quỹ nghiên cứu nhân đạo (Human Research Trust) - đầu tư cho những nghiên cứu trên mô, tế bào con người để tránh sử dụng động vật. Cô gái Việt còn xuất sắc giành Giải thưởng Lovett giành cá nhân có điểm cao nhất trong 2 năm chính thức của toàn trường Sinh học (ở đại học UEA, chỉ có điểm năm 2 và năm 3 là tính vào điểm chính thức), Giải thưởng Lovett giành cho cá nhân/sinh viên có điểm năm cuối cao nhất của trường Sinh học,Giải thưởng của Quỹ nghiên cứu nhân đạo dành cho sinh viên chuyên ngành Y Sinh học có thành tích tốt nhất năm 2017.

Năm 2018 này, Phương Thảo vinh dự nhận học bổng của Hiệp hội nghiên cứu thị giác và nhãn khoa (ARVO The Association for Research in Vision and Opthalmology). Đây là tiền quỹ được trao tặng cho những nghiên cứu sinh/nhà nghiên cứu có bản tóm tắt nghiên cứu đạt điểm cao – tham dự Hội nghị quốc tế hàng năm của ARVO. Giải thưởng này hỗ trợ cho 9X Việt tham gia Hội nghị tháng 5 vừa qua tại Hawaii.

Thảo cho hay, đây là giải thưởng đầu tiên mà em đạt được với tư cách là một nghiên cứu sinh (6 tháng sau khi bắt đầu PhD) và cũng là giải thưởng quốc tế đầu tiên với em.

“Sáu tháng làm thí nghiệm, thu thập kết quả và gửi đến tổ chức hội nghị để được trưng bày poster của mình, em hoàn toàn bất ngờ khi được chọn cho giải thưởng này. Một lần nữa, một phần không nhỏ là nhờ vào sự hỗ trợ từ the Eye Lab - đội ngũ dưới sự chỉ đạo của thầy Giáo sư Michael Wormstone. Em cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi đến với hội nghị và giới thiệu mình đến từ Việt Nam”.

Đạt được rất nhiều thành tích ấn tượng khi là du học sinh, Thảo khiêm tốn nói rằng, do bên cạnh em lúc nào cũng có gia đình, người thân và bạn bè hỗ trợ, quan tâm, lắng nghe, động viên và khích lệ mình.

 

Cô gái Việt cùng với các bạn chung kí túc xá năm nhất (12/2014) đón mừng lễ Giáng sinh bên nhau.
Cô gái Việt cùng với các bạn chung kí túc xá năm nhất (12/2014) đón mừng lễ Giáng sinh bên nhau.

 

Đặc biệt, được nghe các thầy các cô nói về công trình nghiên cứu của mình và những phát hiện hay phát minh trong khoa học đầy nhiệt huyết khiến cho Phương Thảo tràn đầy động lực học tập và nghiên cứu thêm sau giờ học.

Nhắn nhủ với các bạn trẻ sắp đi du học, Thảo khuyên rằng nếu gặp khó khăn trong học tập cứ tiếp cận giảng viên để xin giúp đỡ. Các thầy các cô rất nhiệt tình và thân thiện, học trò không hiểu hay muốn biết thêm gì, cứ email hỏi là sẽ được giải đáp/giúp đỡ rất tận tình, đến khi nào hiểu thì thôi.

Hiện tại, Phương Thảo là trợ giảng và thỉnh thoảng chấm bài các sinh viên cử nhân cho Khoa Khoa học (Faculty of Science).

Cô gái Việt đang nghiên cứu về cơ chế tế bào của các bệnh về lens - tròng mắt như đục thuỷ tinh thể và các di chứng sau khi phẫu thuật.

“Phòng thí nghiệm nơi em nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Michael Wormstone tập trung vào cơ chế tế bào và phân tử của sự hình thành đục thuỷ tinh thể và PCO để tạo tiền đề cho sự chế tạo/tìm ra cách phòng chống và trị bệnh, bên cạnh khai thác các hoạt tính của vài loại chất tìềm năng. Hiện tại, chất em đang sử dụng là Sulforaphane, có rất nhiều trong dòng họ cây cải súp lơ (broccoli)”, Thảo nói.

Chia sẻ về dự định trong tương lai gần, Thảo cho biết: “Em đang cố gắng thu thập kết quả thí nghiệm để được báo cáo khoa học ở hội nghị ARVO 2019 được tổ chức ở Vancouver. Xa hơn nữa là có các công trình nghiên cứu được xuất hiện ở các tạp chí khoa học và bảo vệ luận án tiến sĩ thành công”.

 

Ước mơ lớn nhất của nữ nghiên cứu sinh là được thấy một phần nào đó những điều mình nghiên cứu một ngày nào đó sẽ đóng góp trong việc nâng cao, cải thiện sức khoẻ con người, không những cho các nước phát triển mà còn cho các nước đang hay kém phát triển.
Ước mơ lớn nhất của nữ nghiên cứu sinh là được thấy một phần nào đó những điều mình nghiên cứu một ngày nào đó sẽ đóng góp trong việc nâng cao, cải thiện sức khoẻ con người, không những cho các nước phát triển mà còn cho các nước đang hay kém phát triển.
Theo dantri.com.vn
Chia sẻ