Học sinh làm sao học bài kịp để thi?

 

Thông thường sẽ có hai loại đề để các em làm bài. Loại thứ nhất là đề trường dành cho các môn Tin, Công nghệ, Giáo dục công dân, Nhạc, Mĩ thuật và thể dục. Loại này các em sẽ được nhà trường tổ chức thi theo lịch của trường. Loại thứ hai là đề thi các môn còn lại: văn, sử, địa, toán, lí, sinh, hóa (khối 8, 9) và ngoại ngữ. Loại này do phòng GD&ĐT quận, huyện ra đề chung cho các trường và thi theo lịch chung do phòng quy định và liên tục trong khoảng 4 - 5 ngày.

Như vậy, trong thời gian ngắn, học sinh từ lớp 6 - 9 phải hoàn thành 8 môn thi theo đề chung của phòng. Theo quy định, các em sẽ được giới hạn chương trình từ tuần 20 đến tuần 35 của chương trình học theo từng môn học, có trừ các bài được giảm tải hoặc hướng dẫn đọc thêm. Chúng ta biết, các môn có từ 1 - 2 tiết/tuần như sử, địa, sinh, hóa, vật lí tính trung bình các em phải học từ 16 - 32 bài/môn để thi. Còn các môn trên 3 tiết/tuần như văn, toán, ngoại ngữ thì còn nhiều bài hơn nữa, trung bình 48 - 64 bài/môn các em phải học để hoàn thành bài kiểm tra học kỳ 2.

Lịch thi học kỳ 2 của một trường THCS. (Ảnh đăng trên Facebook)

Lịch thi học kỳ 2 của một trường THCS. (Ảnh đăng trên Facebook)

Thêm vào đó, trong học kỳ 2, có nhiều ngày nghỉ lễ và tổ chức các hoạt động giáo dục: Tết Nguyên đán, ngày 26/3, giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4… nên thiếu chương trình. Giáo viên phải tổ chức dạy bù để kịp chương trình giới hạn của phòng là hết tuần 35 của học kỳ 2. Có thể nói thời điểm giữa tháng 4 là thời điểm giáo viên và học sinh phải “chạy” để kịp chương. Vì vậy, các em lại phải đi học bù và không có thời gian để học bài.

Thời gian trước, điều kiện để các em giải trí rất ít vì vậy học sinh dành nhiều thời gian để học bài hơn. Nhưng bây giờ có rất nhiều thứ thu hút các em: game, internet, facebook, truyền hình… khiến các em lơ là việc học cộng với một lịch thi ngắn dành cho nhiều môn học lại có quá nhiều bài phải học thi nên các em thường bị quá tải. Bởi thời gian các em rảnh để học thì quá ít (đối với các em có ý thức học tập còn những em học yếu, kém thì bỏ luôn), nhưng các em không được nghỉ học để ở nhà học bài mà chỉ nhờ một hai ngày nghỉ lễ hoặc cuối tuần đề học.

Một điều nữa, các em khối 8, 9 thường thi buổi sáng còn khối 6, 7 thi buổi chiều. Nên các em sẽ xen kẽ để học. Thi buổi chiều thì sáng học và ngược lại thì buổi sáng thì chiều học. Thử hỏi với điều kiện về thời gian ít ỏi mà các em phải “nạp” vào đầu một khối lượng kiến thức “khổng lồ” như vậy thì làm sao?

Dẫu biết việc học là cả một quá trình, trong suốt học kỳ 2, các em phải học và làm bài cũ trước khi đến lớp. Nên phần nào đã nắm được kiến thức bài học nhưng các em không phải là cái máy tính để đánh máy bao nhiêu bài học thì được lưu trữ hết trong máy. Bởi hiện nay, có quá nhiều yếu tố tác động, chi phối đến việc học tập của các em. Thêm nữa, học sinh bậc THCS lứa tuổi còn nhỏ, ý thức chưa cao nên quan tâm, đầu tư cho việc học của các em là điều hết sức khó khăn. Điều này chỉ xảy đến đối với một tỉ lệ nhỏ học sinh có ý thức và gia đình nào có quan tâm đến việc học của con mình. Còn lại đa phần “trăm sự nhờ thầy” thì việc yêu cầu các em trong thời gian ngắn mà nạp một khối lượng kiến thức trong cả một học kỳ là điều xem như là không tưởng với các em. Chỉ có những em nào có được trí nhớ siêu phàm mới học hết nội dung kiến thức cả một học kỳ với 12 - 13 môn chỉ trong vòng một tuần như vậy. Đó cũng chính là nguyên nhân làm cho các em hết hứng thú và chán học.

Qua đó, để các em học sinh nhất là bậc THCS không còn phải hoàn thành bài kiểm tra trong thời gian ngắn với nhiều môn học như trên thì ngành giáo dục cần đổi mới việc kiểm tra thi cử, tìm biện pháp khác để đánh giá học sinh. Có thể thay điểm kiểm tra học kỳ bằng kiểm tra định kỳ từng phân môn (chẳng hạn văn, toán) và các môn khác cũng vậy. Tránh việc dồn toa đến cuối học kỳ mới tổ chức kiểm tra, tạo nên sức ép lớn đối với các em.

Nguồn: dantri.com.vn

Chia sẻ