Đề thi minh họa vào lớp 10 của Hà Nội: Không gây sốc, đánh đố học sinh

Đó là nhận định của tổ giáo viên Học Mãi. Theo các giáo viên.

Kết quả hình ảnh cho hoc sinh lop 10

Trước đây, học sinh tham dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội chỉ phải làm 2 bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức Tự luận thì theo Phương án tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 được Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt là tổ chức thi 4 bài độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thi khác.

Bài thi thứ tư sẽ được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3/2019 và thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Thời gian làm bài đối với các môn thi Toán, Ngữ văn là 120 phút/môn, thời gian làm bài đối với 2 môn thi còn lại là 60 phút/môn và theo hình thức trắc nghiệm.

Nhìn nhận sơ bộ về đề thi tham khảo các môn mà Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố chiều ngày 31/10/2018 có thể thấy đề thi bao phủ toàn bộ chương trình lớp 9 nhưng xuất hiện cả các câu hỏi thuộc lớp 8 (khoảng 20%). Các câu hỏi đáp ứng theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng và không mang tính đánh đố học sinh.

Các em học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm bài tốt. Đặc biệt, các câu hỏi không sắp xếp theo thứ tự các cấp độ và xuất hiện một số câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn.

Mặc dù thi theo hình thức trắc nghiệm trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không hẳn là việc gì quá xa lạ, nhưng với học sinh thủ đô đây cũng là một sự thay đổi lớn, khiến phụ huynh và học sinh đặc biệt quan tâm.

Mục tiêu của việc điều chỉnh về cơ bản là giúp cải thiện tình trạng môn chính, môn phụ, tránh tình trạng học lệch, học tủ cũng như việc cắt xén nội dung trong các nhà trường nhằm giúp học sinh trang bị hệ thống kiến thức nền tảng toàn diện trước khi bước vào cấp THPT. Do đó, hình thức thi như vậy là phù hợp và không gây sốc.

Việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đặt ra yêu cầu với cả giáo viên và học sinh phải có sự thay đổi trong phương pháp dạy và học để thích nghi. Với học sinh, đầu tiên là cần thay đổi tư duy trong việc chỉ học Văn, Toán mà bỏ qua các môn còn lại đồng thời phải thay đổi phương pháp học tập cho phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm, chú trọng rèn kĩ năng, phương pháp, đặc biệt là rèn phản xạ làm bài.

Còn đối với giáo viên, việc áp dụng thi trắc nghiệm đặt ra yêu cầu đổi mới toàn bộ phương pháp dạy và ra đề thi khi mà họ đã quen với công việc dạy học theo hình thức tự luận. Bên cạnh việc thay đổi giáo án giảng dạy là việc thay đổi phương pháp truyền thụ và biên soạn câu hỏi.

Theo đó, giáo viên không thể nhồi nhét toàn bộ kiến thức cho học sinh bởi lẽ đề thi quá rộng và học sinh thì không phải chỉ học duy nhất một môn mà phải suy nghĩ làm sao cho học sinh của mình nắm được bài, hiểu bài và nhớ được lâu các kiến thức trọng tâm, đồng thời có khả năng vận dụng thành thạo kiến thức vào việc xử lí các câu hỏi.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều luồng ý kiến xung quanh việc thay đổi này nhưng thi trắc nghiệm đã và đang trở thành xu thế phổ biến. Chất lượng của kì thi phụ thuộc khá nhiều vào nội dung đề thi, đòi hỏi phải có một ngân hàng câu hỏi đủ lớn đã được chuẩn hóa và thử nghiệm trong một thời gian đủ dài mới có thể kết luận một cách chính xác.

Có thể coi đây là một sự chuẩn bị sớm cho kì thi THPT quốc gia từ đó học sinh có định hướng điều chỉnh phương pháp học tập đúng đắn. Rất có thể đây sẽ là một điểm khởi đầu mới trong việc đổi mới hình thức tuyển chọn học sinh, giúp giải quyết vấn đề là cần phải giáo dục học sinh một cách toàn diện. Đó chắc chắn là một hướng đi bền vững.

 

Chia sẻ