In bài này
Tin tức

Chiều 16/9, Bộ GD&ĐT có công điện khẩn gửi các Sở Giáo dục, các trường ĐH, CĐ, TCCN thuộc 29 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Theo đó, bão số 3 (tên quốc tế là Kalmaegi) đang tiếp tục di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta, đặc biệt ngày và đêm 16/9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Vịnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 13-14 kèm theo mưa lớn trên diện rộng, nhất là khu vực Đông Bắc và Việt Bắc.

didan-5025-1410866423.jpg

Trẻ em được di chuyển đến địa điểm an toàn tại nhà của ông Vũ Văn Việt, phường Ngọc Xuyên (Đồ Sơn, Hải Phòng). Ảnh: Giang Chinh.

Trước diễn biến phức tạp và thất thường của cơn bão, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục yêu cầu các trường cần chủ động ngừng hoạt động ngoại khóa trong thời gian bão, mưa, lũ đang diễn ra. Đối với các vùng có nhiều sông, suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ nhằm tránh những rủi ro khi đến trường. Các cuộc họp không cần thiết cũng phải hoãn lại để tập trung chỉ đạo ứng phó bão.

Các cơ sở giáo dục cần phối hợp với các tổ chức hội ở địa phương hỗ trợ, giúp đỡ học sinh đến trường sau mưa lũ, không để các em phải bỏ học vì thiếu ăn, mặc, sách vở, do thiên tai gây ra.

Trong quá trình ứng phó với bão, các nhà trường cần đảm bảo công tác trực ban, phối hợp chặt chẽ với ban phòng chống lụt bão địa phương để có biện pháp ứng phó kịp thời. Khi xảy ra bất cứ tình huống, sự cố bất thường trong bão lũ, các địa phương cần lập tức báo cáo về Bộ Giáo dục để kịp thời chỉ đạo xử lý.

 

Kiều Trinh

Chia sẻ
Tin tức mới