TS. Nguyễn Tùng Lâm: “Nhà trường phải luôn xem học sinh là thượng đế”

 

Số đông giáo viên mắc “bệnh nghề nghiệp”

Qua thực tế nhiều năm quản lý, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) thẳng thắn chỉ rõ các biểu hiện hạn chế của thấy cô giáo ở riêng góc độ nghiệp vụ trong tham luận “Những vấn đề cần thiết đổi mới trong công tác quản lý các trường phổ thông để nâng cao chất lượng giáo dục” gửi đến Hội thảo Giáo dục 2017.

Các hạn chế chủ yếu được nhắc tới bao gồm: luôn đổ lỗi cho học sinh/phụ huynh học sinh, chưa trở thành tấm gương/thần tượng cho học sinh noi theo, yếu kém về kỹ năng nắm bắt tâm sinh lý học sinh dẫn đến sai lầm trong phương pháp giáo dục…

TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội).

TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội).

“Số đông nhà giáo mắc bệnh nghề nghiệp: chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa (mặc dù nó đã lạc hậu cả về khoa học lẫn thực tiễn) không gắn với thực tiễn đời sống, luôn cho mình là đúng coi thường những đóng góp của đồng nghiệp, khó chịu với những thắc mắc của học sinh. Luôn nói nhiều, không chịu lắng nghe, luôn đổ lỗi cho học sinh, cho cha mẹ học sinh và nhà trường, đồng nghiệp, còn bản thân luôn cho là hoàn hảo”, TS. Lâm chỉ rõ.

Một hạn chế khác là đa phần giáo viên chưa thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp của mình: những người luôn khát khao học hỏi, luôn mong muốn làm giàu tri thức khoa học, tri thức đời sống cho bản thân, luôn là tấm gương, là “thần tượng” của học trò.

Cũng theo TS. Lâm, nghề dạy học muốn thành công phải nắm được tâm sinh lý đối tượng mình dạy, mình giáo dục nhưng đa phần số đông giáo viên ít quan tâm, ít làm được điều này.

“Có thể trong nhà trường sư phạm, bộ môn Tâm lý giáo dục đã không được coi trọng, chưa được coi là môn chính để đào tạo tay nghề cho giáo viên mà chỉ được đối xử như một môn chung như: Lịch sử Đảng, Triết học… Khi ra trường rồi, các trường phổ thông lại không đào tạo, chỉ trông chờ giáo viên tự học.

Tất cả những chuẩn mực của một giờ lên lớp họ chỉ quan tâm thực hiện khi thao giảng hoặc có thanh tra, có người dự giờ. Như trên đã nêu do không nắm được tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không hiểu được phương pháp giáo dục, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến nên dễ tùy tiện và dễ mắc sai lầm trong quá trình giáo dục”, ông phân tích hệ quả của việc giáo viên không nắm bắt được tâm sinh lý học sinh.

Bồi dưỡng cấp chứng chỉ tay nghề, không đủ chuẩn thì đào thải

Xem giáo viên là đòn bẩy của chất lượng giáo dục, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh ngành Giáo dục cần đổi mới nhận thức về bồi dưỡng tay nghề nhà giáo. Phải coi công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nghiệp vụ nhà giáo là nhiệm vụ cấp bách, cần tập trung nguồn nhân lực để giải quyết căn bản, toàn diện, trong vòng 3 đến 5 năm tới cho 100% đội ngũ nhà giáo, nếu không làm nổi điều này coi như chưa thể có chất lượng giáo dục.

Cách bồi dưỡng tay nghề dứt điểm, cuốn chiếu ở mỗi trường học cần nhiều người hướng dẫn, đánh giá. Ông đánh giá, quan điểm xây dựng một đội ngũ nhà giáo cốt cán cho công việc nâng cao tay nghề giáo viên của Sở GD&ĐT Hà Nội đang thử nghiệm là một quan niệm hiện đại và thực tế.

“Cách bồi dưỡng đến đâu cấp chứng chỉ đến đó sẽ dần dần tuyển chọn được đội ngũ nhà giáo có chất lượng, có nghiệp vụ, có tay nghề và làm việc chuyên nghiệp hơn. Giáo viên nào nhiều lần không lấy nổi chứng chỉ phải chuyển ngành”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Làm sao để giáo viên “sống thật bằng nghề”

Theo Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, “đòn bẩy” nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trước hết phải là giải quyết chế độ tiền lương thỏa đáng để người giáo viên “sống thật bằng nghề”. Nhà giáo yên tâm làm việc một cách chuyên nghiệp về nghề dạy học.

Phải làm rõ lao động của giáo viên để có đãi ngộ xứng đáng, phải đo đạc có tính chất khoa học chứ không thể nói chung được. Sản phẩm của giáo dục là nhân cách của học trò, phải tạo cho học sinh nếp tư duy để họ tự phát triển nhân cách. Lao động của thầy giáo không chỉ là trí tuệ mà là lao động bằng chính nhân cách, bằng sự yêu thương, nhạy cảm của họ với con người. Không phải ai cũng trở thành nhà sư phạm được.

“Chúng ta cứ nghĩ là chỉ cần nhúng qua trường sư phạm là thành nhà giáo. Người thầy giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà quan trọng là họ dẫn dắt học sinh đi đến đâu, tạo cho học sinh động lực gì để học, để sống. Như vậy không có máy móc nào thay được người thầy. Người ta đã tổng kết rằng, một nền giáo dục không thể vượt được tầm của mỗi nhà giáo ở nền giáo dục đó. Chúng ta muốn có một nền nhân lực chất lượng cao hơn thì phải có thày tốt. Chứ không phải chất lượng cao là có sàn gỗ, điều hòa... Chất lượng cao là phải ở chất lượng cao của người thầy”, TS. Lâm khẳng định.

Mặt khác, TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng lưu ý, các cơ sở giáo dục đào tạo phải chủ động thay đổi nhận thức. Chủ động sáng tạo thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường theo đúng quy luật kinh tế thị trường. Theo đó, mỗi nhà trường phải là một “thương hiệu”; học sinh luôn là “khách hàng”, là “thượng đế” được tôn trọng, được lắng nghe.

Nguồn: dantri.com.vn

Chia sẻ