In bài này
Tin tức

 

Đó là những nét khái quát nhất của Hội thảo khoa học về môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông diễn ra sáng ngày 15/11 do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia Lịch sử hàng đầu, một số giảng viên của các trường ĐH Sư phạm, giáo viên dạy sử của một số trường phổ thông… Về phía đại diện Bộ GD-ĐT có sự tham gia của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể…

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

 Phải trả lại vị thế môn giáo dục Lịch sử

Mở đầu Hội thảo, với bài tham luận dài 4 trang của mình, GS.NGND. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam bày tỏ: Ở cấp THCS và THPT mà môn Lịch sử vẫn bị cắt xén, lấy một ít nội dung đem tích hợp với môn khác là không có cơ sở khoa học và trên thực tế là xóa bỏ môn lịch sử trong nền giáo dục phổ thông. Trong chương trình cấp THPT còn có môn Lịch sử tự chọn, nhưng với sách giáo khoa và cách dạy, cách học như hiện nay thì chắc chắn chẳng có mấy học sinh chọn môn Lịch sử. Dù Bộ GD-ĐT giải thích thế nào thì với chương trình mới, trên thực tế đã “khai tử”, đã “xóa bỏ” môn Lịch sử.


GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

“Khi một ít kiến thức lịch sử bị cắt nhỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn khác, thì môn Lịch sử đã không còn với vị thế của một môn học trong tính toàn bộ và hệ thống của nó. Về thực chất đây là xóa bỏ môn Lịch sử trong yêu cầu giáo dục toàn diện và hệ thống của môn học” – GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.

GS.TS Trần Thị Vinh – Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội tiếp tục phân tích thêm: Việc xây dựng một môn học mới là việc làm hệ trọng, có liên quan đến chất lượng giáo dục, sự thành bại của cải cách giáo dục và là tương lai của thế hệ con cháu chúng ta. Nếu xây dựng một môn học mới mà không dựa trên nền tảng khoa học và cơ sở thực tiễn thì chắc chắn sẽ thất bại, hơn nữa sẽ gây ra tình trạng xáo trộn, mất phương hướng trong giáo dục phổ thông.

GS.TS Trần Thị Vinh tham luận tại Hội thảo
 
GS.TS Trần Thị Vinh tham luận tại Hội thảo

Trong dự thảo Chương trình tổng thể của Bộ GD-ĐT, môn Công dân với Tổ quốc được bao gồm 3 phân môn: Giáo dục Đạo đức, Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng – An ninh và được coi là một điểm mới. Những người soạn thảo chương trình đưa ra 4 căn cứ để xây dựng môn Công dân với Tổ quốc là: truyền thống giáo dục; xu thế và kinh nghiệm quốc tế; yêu cầu giáo dục chính trị - tư tưởng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cách tiếp cận này đã bỏ qua những tiêu chí căn bản nhất trong việc xây dựng môn học mới là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và tính khả thi của việc triển khai chương trình.

Dẫn chứng thực tế từ chương trình giáo dục phổ thông một số nước, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh: “Tại Mỹ và Canada, môn lịch sử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục. Đó không chỉ là một môn học thông thường mà còn là một môn học nhằm giáo dục nhân cách, tính thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức công dân. Đồng thời sự am hiểu lịch sử dân tộc là tiêu chuẩn hàng đầu đối với công dân Mỹ và Canada. Đây là môn học cơ bản bắt buộc ở các trường phổ thông, cùng với các môn học khác như Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Ngoại ngữ…Trong 25 nước châu Âu, phần lớn môn Lịch sử là môn độc lập (bắt buộc), không là phân môn trong môn tích hợp nào”

Cũng để cho Bộ GD-ĐT thấy được “sức nặng” của buổi Hội thảo, Ban tổ chức tiếp tục chỉ định thêm hai giáo viên phổ thông đưa ra thêm ý kiến. Những người trực tiếp giơ tay xin tham luận đều bị “từ chối” với lý do quá nhiều phiếu đăng ký phát biểu nên phải…chọn lọc.

Thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên Sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) “hùng hồn” cho phép mình thay mặt tất cả các giáo viên phổ thông trên toàn quốc xin có ý kiến gửi đến Bộ GD-ĐT.

“Trong 3 tháng qua, từ khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Chương trình tổng thể, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên, rất nhiều trăn trở, bức xúc. Đến thời điểm này tôi có thể nói ngắn gọn: Thái độ của giáo viên dạy sử trên toàn quốc phản ứng rất dữ dội. Sau khi tiếp nhận thông tin về dự thảo thì rất nhiều giáo viên buồn bã, thất vọng, chán chường và có vẻ như nhiều người buông xuôi” - thầy giáo Hiếu nêu quan điểm.


TS Tạ Ngọc Trí lên tiếng giải thích thì bị truy vấn: Anh học trường nào?

TS Tạ Ngọc Trí lên tiếng giải thích thì bị "truy vấn": Anh học trường nào?

Tình huống “hài hước” nhất của Hội thảo là khi TS Tạ Ngọc Trí (đến từ Bộ GD-ĐT) xin trao đổi lại với tư cách là một người nghiên cứu về chương trình giáo dục phổ thông lại bị “ngăn cản” một cách kỳ lạ. Khi TS Trí đang “phản biện” một số vấn đề thì bị chủ tọa nhắc nhở về thời gian, ở dưới thì nhao nhao, thậm chí còn có người truy vấn “Anh học trường nào mà nói thế?!”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nhiều vấn đề Bộ GD-ĐT “bị oan”

Được mời tham gia phát biểu sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển mở đầu bằng một thái độ hết sức thẳng thắn trước hiện tượng khi có ý kiến theo quan điểm “Lịch sử phải là môn học cơ bản, bắt buộc và đứng độc lập” thì phía dưới vỗ tay rầm rộ tán thành, còn ý kiến “phản biện” thì lại không đoái hoài: “Chúng ta cần phải tôn trọng lẫn nhau. Ở các Hội thảo do Bộ GD-ĐT thì chúng tôi rất tôn trọng khi mời các đồng chí đến dự”.

Thứ trưởng Hiển cũng cho rằng, do có nhiều người chưa nghiên cứu tài liệu nên nhiều vấn đề Bộ GD-ĐT “bị oan”. Việc nói “khai tử” môn Lịch sử hay môn Lịch sử là tự chọn thì trong tài liệu đã nói rất rõ Lịch sử là tự chọn hay bắt buộc.

“Chúng tôi không đồng tình với việc môn Lịch sử là độc lập đồng nghĩa với việc bắt buộc. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, không phải cứ bắt buộc là phải độc lập” – Thứ trưởng Hiến nhấn mạnh.

Trước ý kiến phản biện cho rằng Bộ GD-ĐT nói học sinh chán học sử là không đúng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: Đây là giáo viên nói oan cho Bộ. Chúng tôi nói sách giáo khoa lịch sử và cách dạy hiện nay làm học sinh chán chứ không nói học sinh chán học sử, điều này được thể hiện rất rõ qua cuộc thi “Em yêu Lịch sử Việt Nam” được tổ chức rất thành công. Ở cuộc thi này nhiều em không có định hướng theo học chuyên ngành Lịch sử nhưng thể hiện sự hiểu biết của mình qua các tài liệu mà đến chúng ta cũng không đủ sức để làm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

“Nếu chúng ta đổi mới mà cứ phải có tiền lệ mới làm thì không hiểu đó có phải là đổi mới hay không? Tất nhiên chúng ta phải phát huy, tôn trọng và kế thừa nhưng cũng phải có cái mới. Chúng ta nên suy nghĩ làm như thế có đúng hay không chứ không nên nói chưa có tiền lệ thì chưa làm” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phản hồi ý kiến cho rằng việc tích hợp hiện tại là chưa có tiền lệ.

Thứ trưởng Hiển cũng khẳng định, để làm tốt về chương trình tích hợp thì sau năm 2030 chưa chắc đã làm tốt. Tuy nhiên nếu không bước bắt đầu chập chững thì không thể tiến đến bước thành thạo được.

“Chúng ta nên nhớ, khi xây dựng chương trình năm 2000 đã đặt vấn đề là có nên viết tích hợp hay không? Có dạy phân hóa ở bậc phổ thông hay không? Lúc đó chúng ta nói là do chưa chuẩn bị đội ngũ giáo viên, các trường phổ thông không đủ điều kiện để dạy tự chọn, phân ban… Chính vì thế cần phải chuẩn bị. Và kết quả sau 15 năm thì vẫn “dậm chân” tại chỗ vì cơ chế không cho phép chúng ta tách ra một đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho tương lai như thế, không cho phép các trường sư phạm đào tạo đội ngũ giáo viên theo môn học mới của phổ thông để sẵn sàng ra trường chờ đợi chương trình mới để dạy. Kinh nghiệm cho thấy rằng chúng ta phải làm đồng thời, dần dần và từng bước một” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phân tích những cái khó khi làm giáo dục.

Cũng theo Thứ trưởng Hiển, lần đổi mới này sẽ không cầu toàn nhưng phải đặt ra một tiền đề để nghiên cứu, suy nghĩ tiếp và làm tiếp.

“Ở đây 3 mạch kiến thức trong một môn học không phải xếp đặt với nhau theo một cách máy móc, khô cứng. Khi dạy mạch kiến thức này nó sẽ liên quan đến mạch kiến thức kia. Nếu làm được điều này sẽ tạo tiền đề hình thành ra các chủ đề tích hợp. Trước hết chúng ta phải tích hợp như vậy để giáo viên có thể làm được” – Thứ trưởng Hiển nói.

 

Kết thúc bài phát biểu của mình Thứ trưởng Hiển đặt ra hai vấn đề mở: Có nhiều người cho rằng cứ phải đứng riêng thì mới hiệu quả thì chúng ta cũng nên cùng nhau suy nghĩ lại. Điều quan trọng mà chúng ta chưa bàn luận ở hội thảo này đó là tác dụng của môn Lịch sử trong mối liên quan đến các môn khác. Với tinh thần cầu thị và khoa học, Bộ GD-ĐT sẵn sàng trao đổi và tiếp thu các góp ý hợp lý để điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa để có một Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể tốt nhất.

Chia sẻ
Tin tức mới